Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và tổ chức người khác trốn đi nước ngoài

21/05/2018 - 07:42

 - Từ năm 2006-2008, Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin) chiếm đoạt trên 255 tỷ đồng tiền chênh lệch mua tàu, gửi giá cước cho thuê tàu của công ty. Vụ việc vở lỡ, Đạt nảy sinh ý định cùng gia đình trốn ra nước ngoài định cư. Ngày 22-2-2017, Đạt bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Các đối tượng “giúp” Đạt chạy trốn không thoát được sự trừng trị của pháp luật.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, khoảng cuối tháng 7-2010, Đạt nhờ Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh (sinh năm (SN) 1983, ngụ quận 2, TP. Hồ Chí Minh, chị họ Đạt) tìm người giúp làm thủ tục đi định cư tại Canada.

Quỳnh nhờ Nguyễn Thái Sơn (SN 1971, ngụ huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh). Sơn nhờ Thái Thị Hồng Điệp (SN 1977, ngụ quận 11, TP. Hồ Chí Minh) “hỗ trợ”.

Tối 4-8-2010, khi đang ở Thái Bình, Đạt xem tivi, biết tin Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Thanh Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Vinashin).

Sợ bị bắt, sáng hôm sau Đạt vào TP. Hồ Chí Minh, đến 21 giờ cùng ngày, Điệp điện thoại hướng dẫn cho Sơn, chỉ cách giúp Đạt đi về TP. Châu Đốc.

Tại đây, Đạt được 2 người đàn ông chở bằng xe gắn máy đi theo đường tiểu ngạch qua Campuchia gặp T.T.H.T (chị ruột Điệp, sống tại Campuchia). Khi Đạt có chỗ ăn, nghỉ “an toàn”, Quỳnh nhờ Sơn chuyển 10.000 USD trả công cho Điệp.

3 bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm

3 bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm

Giữa tháng 8-2010, Điệp sang Campuchia gặp Đạt, bàn cách thức làm hộ chiếu để Đạt trốn sang Châu Âu. Về Việt Nam, Điệp mang theo ảnh của Đạt, thuê người làm giả chứng minh nhân dân (CMND), hộ chiếu mang tên Bùi Đức Thắng.

Đến giữa tháng 9-2010, Điệp sang Campuchia nhờ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam giúp các thủ tục để mở văn phòng đại diện hoặc công ty tại Campuchia để Điệp kinh doanh.

Quá trình chuẩn bị, Điệp sử dụng pháp nhân Công ty TNHH XD-TM Khánh Nguyên và con dấu (trên thực tế chưa hoạt động, chưa đóng mã số thuế), lập khống quyết định của Hội đồng thành viên về việc mở văn phòng đại diện ở nước ngoài, bổ nhiệm “Bùi Đức Thắng” (tức Đạt) đứng đầu chi nhánh công ty tại Campuchia.

Để chứng minh tài chính cho “Thắng”, Điệp tiếp tục sử dụng CMND mang tên Thắng, dán ảnh người khác để mở tài khoản ngân hàng A.C chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, Điệp nhờ người nộp 635 triệu đồng vào tài khoản này, yêu cầu ngân hàng xác nhận số dư tài khoản. Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ đã có, Điệp giao cho Đạt “sử dụng”.

Không chỉ vậy, vào tháng 10-2009, Điệp mượn CMND, lấy thông tin cá nhân của Nguyễn Thị Cúc (xã Lương An Trà, Tri Tôn), dán ảnh mình vào để xin cấp hộ chiếu mang tên Cúc. Điệp sử dụng hộ chiếu này xuất, nhập cảnh 10 lần qua cửa khẩu Mộc Bài, Tân Sơn Nhất; mở tài khoản, thẻ visa, thẻ tín dụng ở nhiều ngân hàng.

Cơ quan chức năng nhận định, Điệp là người có hành vi tích cực tổ chức cho Giang Kim Đạt trốn đi nước ngoài; thực hiện hành vi làm giả, sử dụng hộ chiếu giả cho Đạt, hưởng lợi bất chính trên 138 triệu đồng. Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thái Sơn có hành vi tổ chức cho Đạt trốn đi nước ngoài.

Các cá nhân khác liên quan đến việc giúp đỡ Điệp, Đạt nhưng không biết mục đích phạm tội của cả 2 nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người mang tên Bùi Đức Thắng khai nhận: vào năm 2010, khi đi làm công nhân xây dựng tại Hà Nội, Thắng bị mất giấy CMND.

Từ trước đến nay, anh ta không hề sống, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, không xin cấp hộ chiếu phổ thông, không mở tài khoản tại bất cứ ngân hàng nào, không liên quan hay làm người đại diện cho Công ty Khánh Nguyên.

Đối với Nguyễn Thị Cúc, do thường xuyên đi làm thuê ở xa, Cúc đưa giấy CMND cho mẹ ruột cất giữ. Cách đây vài năm, Cúc biết Điệp mượn giấy CMND của mình, nhưng không biết dùng làm gì.

Quá trình điều tra vụ án, qua khám xét, Cơ quan An ninh Điều tra đã phát hiện, tạm giữ của Điệp 55 con dấu, dấu tên cán bộ hải quan, pháp nhân các công ty, dấu xuất, nhập cảnh… có dấu hiệu làm giả. Việc tàng trữ này góp phần chứng minh phương thức, thủ đoạn phạm tội của Điệp trong vụ án.

Đây là vụ án rất nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng tại các địa phương trong cả nước, nên việc xác minh, triệu tập lấy lời khai gặp khó khăn; phải điều tra bổ sung, khởi tố điều tra và đình chỉ điều tra đối với nhiều bị can.

Sau 1 ngày xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang tuyên phạt bị cáo Thái Thị Hồng Điệp 2 năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và 2,5 năm tù về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, tổng hợp hình phạt của 2 tội danh là 4,5 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh và Nguyễn Thái Sơn cùng 2,5 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG