
Cộng sự tại “Nông trại Ếch Ộp” của kỹ sư Trương Thành Đạt kiểm tra giàn trồng rau được phủ rơm giữ ẩm và cải tạo đất
Từ kiến thức học đường đến mô hình sản xuất thực tế
Là cựu sinh viên Trường Đại học An Giang, kỹ sư Trương Thành Đạt bắt đầu hành trình làm nông nghiệp từ những trải nghiệm học đường và thực tế sản xuất tại địa phương. Thay vì theo đuổi các mô hình công nghệ cao như nhiều người cùng thế hệ, anh lựa chọn phương pháp thuận tự nhiên: Dựa vào vòng đời sinh học của cây trồng và các loài sinh vật bản địa.
Khởi đầu với mảnh đất nhỏ, các vật tư sẵn có và nguồn nước từ ao sen, anh Đạt thiết lập nguyên tắc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc thảo mộc. Cỏ dại được làm sạch bằng tay, giun đất và vi sinh vật được bảo tồn trong môi trường đất sống. Cùng với đó, hệ thống tưới được tự động hóa để tiết kiệm công lao động và bảo vệ tài nguyên nước.
Điểm đặc biệt trong cách làm của anh Đạt là sử dụng thiên địch để kiểm soát sâu bệnh. Các loài như ếch, nhái, dế, nhện, chim sâu, cò… không bị xua đuổi, mà được xem như một phần thiết yếu của vườn rau. Anh Đạt chia sẻ: “Cò từng được ông bà nuôi để bắt ve trong chuồng bò, nay tôi vận dụng lại bằng cách huấn luyện cò ăn sâu, cào cào và cho chúng hoạt động trong vườn. Ban ngày có chim cò, ban đêm có ếch, nhái, sâu hại được kiểm soát tự nhiên mà không cần hóa chất can thiệp”.
Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội
Từ năm 2017 đến nay, mô hình do kỹ sư Trương Thành Đạt xây dựng hoạt động với tên gọi “Nông trại Ếch Ộp” đã mở rộng phạm vi canh tác tại nhiều địa bàn trong tỉnh An Giang. Rau được trồng tại nhiều điểm, mỗi nơi có điều kiện thổ nhưỡng riêng, tạo sự đa dạng và thích nghi theo mùa vụ. Các loại rau như dưa leo, cải thìa, khổ qua, rau má... được chăm sóc kỹ lưỡng, thu hái đúng thời điểm, giữ được độ giòn, vị ngọt và độ tươi tự nhiên.
Điểm đáng ghi nhận trong mô hình này là sự cởi mở về kiến thức và tinh thần chia sẻ. Anh Đạt thường xuyên tiếp nhận sinh viên thực tập, người học nghề từ các trường trong khu vực đến học hỏi và làm việc. Các buổi chia sẻ được tổ chức ngay tại vườn, với phương pháp hướng dẫn thực hành, quan sát và tự phân tích thay vì lý thuyết khô khan. Anh Đạt không giữ nghề cho riêng mình, mà luôn khuyến khích người học phát triển phương pháp riêng, phù hợp với điều kiện đất đai và đặc điểm thị trường nơi họ sinh sống.
Bên cạnh việc trồng trọt, anh Đạt và nhóm cộng sự còn chủ động nghiên cứu hành vi tiêu dùng, cải tiến bao bì, sơ chế và thử nghiệm các phương án chế biến nông sản phù hợp với nhu cầu. Nhờ sự kiên trì và đồng hành của người tiêu dùng, sản phẩm rau sạch của nhóm đã ổn định đầu ra trong tỉnh, đồng thời bước đầu có đơn hàng xuất khẩu sang một số nước như Nhật Bản và Singapore.
Chọn mô hình thuận tự nhiên đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro cao hơn, sản lượng không đều và đòi hỏi sự kiên nhẫn lớn, nhưng đổi lại là môi trường canh tác trong lành, sản phẩm an toàn và tạo sinh kế ổn định cho người lao động địa phương. Đội ngũ cộng sự của anh Đạt có cả nông dân, kỹ sư trẻ và sinh viên, tạo nên một môi trường học tập, sản xuất và gắn kết cộng đồng rất đáng trân trọng. Thay vì cố gắng mở rộng quy mô nhanh chóng, nhóm tập trung phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn kết chặt chẽ với người tiêu dùng. Trong quá trình hoạt động, nhóm vẫn duy trì nguyên tắc không chạy theo lợi nhuận tức thời, mà giữ vững cam kết với phương pháp sản xuất lành mạnh, bảo vệ đất, nước và hệ sinh thái.
Mô hình của kỹ sư Trương Thành Đạt là một ví dụ cho thấy nông nghiệp xanh không nằm ở quy mô, mà ở tư duy và cách tổ chức. Với tri thức, trách nhiệm và sự cộng tác, người trẻ hoàn toàn có thể làm nông theo cách bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế nông thôn và giữ gìn môi trường sống cho thế hệ sau.
Bài và ảnh: BÍCH GIANG