Mảnh ghép titanium in 3D thay thế xương chày cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ý tưởng sử dụng mảnh ghép titanium in 3D điều trị các khuyết hổng lớn xương tứ chi được nghiên cứu thực nghiệm trên thỏ từ tháng 5-2018, nghiên cứu ứng dụng trên người được chuẩn bị từ tháng 8-2019.
Để thực hiện phương pháp mới này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã hợp tác với Viện nghiên cứu CSIRO (Úc) chế tác mảnh ghép in 3D bằng hợp kim titanium dạng tổ ong, thiết kế dựa trên hình ảnh mô phỏng xương chày chân đối diện của bệnh nhân.
Sau nhiều lần đánh giá mảnh ghép cùng các bước kiểm tra nghiêm ngặt, mảnh ghép được vận chuyển về Việt Nam để phẫu thuật ghép cho bệnh nhân vào ngày 24-12-2020. Hậu phẫu ngày thứ tư bệnh nhân đã có thể tập đi.
Theo PGS, TS Đỗ Phước Hùng - Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, mảnh ghép titaninum in 3D tổ ong là thiết kế đặc biệt, ngoài trọng lượng nhẹ hơn so với khối titanium đặc, mảnh ghép dạng tổ ong sẽ giúp tế bào xương có thể "len lỏi" vào, sinh sôi, phát triển, về lâu dài sẽ biến mảnh ghép titanium sẽ trở thành một phần của cơ thể, không bị thải loại ra ngoài.
Theo THU PHẠM (Báo Nhân Dân)