Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (47 tuổi, Bắc Ninh) xuất hiện đau và hạn chế vận động khớp háng phải tăng dần tám năm nay. Chị đã đi khám ở nhiều nơi và trên phim chụp cộng hưởng từ hay cắt lớp vi tính của chị, các bác sĩ đều không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu khớp háng thoái hóa hay tổn thương nào cụ thể.
Khi tới khám tại Trung tâm phẫu thuật khớp và Y học thể thao, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội, các chuyên gia tại đây đã nghi ngờ chị bị hội chứng xung đột bên trong khớp háng.
Trước mổ, khớp háng phải của bệnh nhân bị khóa chặt không thể xoay chuyển.
GS, TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm cho biết, đây là một hội chứng không phải hiếm gặp, nhưng do ít được để ý tới nên nhiều bác sĩ thường chủ quan bỏ qua, không nghĩ đến. Bệnh lý trên được hình thành do sự biến đổi bất thường về hình dáng của chỏm xương đùi, hoặc ổ cối, hoặc cả hai thành phần trên của khớp háng. Do đó, gây ra sự va chạm khi khớp cử động ở một số tư thế nhất định, khiến bệnh nhân vướng víu, đau đớn và lâu dần hậu quả sẽ gây thoái hóa khớp háng.
"Bệnh thường hình thành sau chấn thương hoặc bất thường bẩm sinh, đặc biệt người ta quan sát thấy bệnh hay xuất hiện ở các vận động viên thể dục dụng cụ, múa ballet,… Cũng vì những triệu chứng của bệnh chỉ xuất hiện khi bệnh nhân vận động khớp do đó các phim chụp hiện nay với bản chất là hình ảnh tĩnh, rất khó để chẩn đoán chính xác ra bệnh", BS Dũng cho hay.
"Thực nghiệm y khoa 3D" trên mô hình tỷ lệ 1:1 khớp háng của bệnh nhân.
Các bác sĩ tại trung tâm đã hội chẩn nhiều lần và quyết định đưa ra một giải pháp "thực nghiệm y khoa 3D”, mô phỏng lại thực tế chuyển động khớp háng của bệnh nhân.
Theo đó, BSCK2 Phạm Trung Hiếu, Trưởng đơn vị Phẫu thuật khớp háng của trung tâm cho biết, từ phim chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ của bệnh nhân, các bác sĩ dựng lên mô hình số hóa ba chiều khớp háng với mức độ chính xác 100%. Sau đó, tiến hành song song đồng thời mô phỏng chuyển động khớp háng thường ngày của bệnh nhân trên nền đồ họa máy tính cũng như mô hình in 3D bằng nhựa sinh học.
"Qua quá trình thực nghiệm này, chúng tôi đã phát hiện ra một nửa bờ sau ổ cối của bệnh nhân và phần cổ xương đùi bị phì đại quá mức, khiến khóa chặt lại vận động của khớp háng, đồng thời va chạm mài vào phần sụn lành khiến bệnh nhân đau đớn", BS Hiếu cho hay.
Sau khi đã tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh, các chuyên gia đã lên kế hoạch thực hiện phẫu thuật tạo hình lại khớp háng cho bệnh nhân bằng phương pháp nội soi. Với việc chuyển động bệnh nhân được mô phỏng số hóa, các bác sĩ biết cần mài bỏ bao nhiêu phần xương của bệnh nhân là vừa để giải phóng chuyển động mà không làm tổn hại đến các phần khớp háng lành.
Tuy nhiên, việc thực hiện công việc này bằng phẫu thuật nội soi là một thử thách thực sự lớn đối với các bác sĩ. Bởi từ trước đến nay ở trong nước cũng như khu vực Đông Nam Á, phẫu thuật nội soi khớp háng là một phẫu thuật rất khó, chưa nơi đâu triển khai được thường quy. Khớp háng nằm ở vị trí rất sâu trong cơ thể, khe khớp lại rất hẹp, cùng hình dạng khớp phức tạp do đó nếu không có các bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng các dụng cụ chuyên dụng, việc thực hiện phẫu thuật này là bất khả thi.
Hình ảnh 3D khớp háng bệnh nhân được mô phỏng số để các bác sĩ lên kế hoạch phẫu thuật.
Dù có rất nhiều thử thách, nhưng chỉ sau ca phẫu thuật nội soi khớp háng kéo dài hơn hai giờ, các bác sĩ đã thành công trong việc tạo hình lại toàn bộ phần xương khớp háng cho bệnh nhân mà vẫn bảo toàn các cấu trúc bình thường khác.
Cũng nhờ phương pháp nội soi ít xâm lấn, chỉ với hai đường mổ nhỏ 0,5cm nên chỉ sau phẫu thuật, chị Tuyết đã có thể ngồi dậy. Và ngay sau đó, lần đầu tiên sau tám năm dài, chị có thể đi lại trên đôi chân mình mà không còn cảm thấy vướng víu hay đau đớn.
Thành công của ca phẫu thuật này là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tiến bộ vượt bậc của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nền y học nước nhà trong những năm trở lại đây. Triển vọng của những ứng dụng công nghệ này giúp cho nhiều bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ thay khớp háng, khi được chẩn đoán sớm và điều trị chính xác.