Bánh tráng Túy Loan (Hòa Vang, Đà Nẵng), thương hiệu nổi tiếng của làng nghề hơn 500 năm lại tất bật vào vụ mỗi khi Tết đến, xuân về.
Giữ lửa làng nghề 500 năm
Gần 50 năm làm nghề tráng bánh, ông Đặng Bê (68 tuổi, trú thôn Túy Loan Tây) cho biết, cứ đến đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, các lò bánh trong thôn liên tục đỏ lửa 24/24h làm bánh, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. 500 năm nay, làm bánh tráng là kế sinh nhai của nhiều thế trong gia đình ông và các hộ dân khác của làng.
Theo ông Bê, làng nghề truyền thống bánh tráng Túy Loan có tuổi đời hơn 500 năm nên với người dân Túy Loan, bánh tráng không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn có ý nghĩa văn hóa vô cùng đặc biệt. Đây là món ăn không thể thiếu trong các dịp giỗ, cúng gia tiên hay ngày lễ, Tết mà còn là món quà của người Túy Loan nói riêng, Đà Nẵng nói chung dùng biếu, tặng mỗi khi đi xa.
“Không rõ làng nghề hình thành từ bao giờ, qua bao thế hệ mà chỉ biết rằng đến nay đã có tuổi đời khoảng hơn 500 năm. Tôi theo nghề này được gần 50 năm rồi và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình”, ông Bê cho biết.
Ông Đặng Bê, người có gần 50 gắn bó với nghề làm bánh tráng tại làng nghề Túy Loan.
Tỷ mẩn tráng từng chiếc bánh trên bếp than rực hồng, bà Trần Thị Luyến (70 tuổi, trú Túy Loan) cho biết, bà không nhớ là mình đã làm nghề được bao nhiêu năm. “Từ thời ông bà rồi đến cha mẹ và giờ là tôi. Thế hệ trước đến thế hệ, gia đình tôi sống dựa vào nghề này”, bà Loan chia sẻ.
Cũng theo bà Loan, ngày thường, gia đình bà chỉ làm số lượng vừa phải, chủ yếu phục vụ người dân trong thôn, xóm và một số tiểu thương các chợ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch thì gia đình bà cũng như các hộ làm nghề bắt đầu bước vào đợt cao điểm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân trong dịp Tết.
“Bánh tráng là món không thể thiếu trong mâm cơm của người Túy Loan nói riêng, Đà Nẵng và Quảng Nam nói chung. Mỗi ngày gia đình tôi phải tráng chừng 3-4 ang gạo mới đủ để cung cấp cho người dân theo đơn hàng. Vất vả nhưng vui vì bánh tráng Túy Loan được nhiều người biết đến, đặt hàng và mình cũng có thêm thu nhập”, bà Loan chia sẻ.
Gần 2 tháng nay, ngày nào bà Trần Thị Bông (72 tuổi, trú thôn Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng thức dậy từ 2h để xay bột, nhóm lò tráng bánh phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.
Với gần 40 năm làm nghề, bà Nông cho hay, để làm ra bánh tráng thơm ngon thì nguyên liệu chính là gạo Xiệc, thêm gừng, vừng, tỏi, nước mắm nguyên chất và đường và đặc biệt là phải tráng bằng lò củi.
“Nghề làm bánh tráng rất mất thời gian, phải thức khuya dậy sớm. Những tháng trong năm thì chỉ làm với số lượng vừa phải nhưng từ tháng 11 âm lịch trở đi thì phải làm cật lực mới đủ đơn hàng do người dân, tiểu thương đặt rất nhiều. Chúng tôi cũng chỉ nhận những đơn hàng đặt sớm, còn những người đặt muộn thì không dám nhận vì làm không kịp”, bà Bông chia sẻ.
Cứ vào dịp cuối năm âm lịch, cả làng nghề bánh tráng Túy Loan lại tấp nập vào vụ cao điểm, lửa lò gần như rực đỏ 24/24h.
Không như những nơi khác, bánh tráng Túy Loan không phơi dưới ánh nắng mặt trời mà được hong bằng than để đảm bảo giữ được hương vị.
Hương vị bánh tráng Túy Loan
Ông Bê bảo, để có nguyên liệu tráng bánh vào sáng sớm thì phải ngâm gạo và chuẩn bị sẵn gia vị từ tối hôm trước. Công thức cũng rất đặc biệt, tỷ lệ pha phải là 1 ang gạo trộn kèm 12 lon vừng (mè) trắng. Bột gạo trước khi trộn gia vị phải xay nhuyễn rồi hòa thêm nước để có độ đặc, loãng phù hợp, sau đó lọc qua 1 lượt để bột mịn, không lẫn vỏ trấu.
Người làm bánh phải hội đủ các kỹ thuật từ cách tráng bánh, gỡ bánh và xông bánh để cho ra lò chiếc bánh thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của bánh tráng Túy Loan, không thể lẫn với nơi khác được.
“Chiếc bánh tráng ngon phải được chế biến đủ 5 hoặc 6 loại gia vị, gồm mắm, muối, đường, tỏi, gừng và vừng. Cách pha chế này được xem như là bí quyết, là nghệ thuật của người làm để bánh tráng có hương vị độc đáo”, ông Bê chia sẻ.
Nói về hương vị của bánh tráng Túy Loan, bà Loan cho biết, bánh phải được làm 100% là thủ công, từ say bột đến các công đoạn khác. Cách pha chế riêng với nhiều loại gia vị tạo ra hương vị rất đặc trưng của bánh tráng Túy Loan. Thêm nữa, để chiếc bánh dày dặn thì người tráng phải tráng đủ 2 lớp cho 1 chiếc bánh.
Khác với những làng làm bánh tráng ở các địa phương, người Túy Loan không phơi bánh dưới ánh nắng mặt trời mà thực hiện hong trên than cho đến khô để bảo đảm bánh giữ được hương vị. Bánh được xông trên than ăn rất giòn, có thể để quanh năm mà không lo bị mốc, khi ăn có thể cảm nhận rất rõ hương vị thoang thoảng của tỏi, gừng và có vị ngọt của đường.
Làng nghề bánh tráng Túy Loan đỏ lửa mùa cao điểm Tết.
“Với bánh tráng Túy Loan, người dùng có thể rán hoặc nướng để thưởng thức đều rất ngon vì gia vị pha chế đã đầy đủ. Trước đây, chúng tôi thường chỉ làm 1-2 loại kích cỡ bánh nhưng bây giờ có thêm loại nhỏ để thuận tiện trong việc đóng gói, chuyển theo đường tàu xe, máy bay đi xa làm quà biếu, tặng”, bà Luyến nói.
Thức khuya dậy sớm, tỷ mẩn với nghề, hết thế hệ này đến thế hệ khác, người Túy Loan tiếp tục cho ra lò những chiếc bánh tráng mang đặc trưng, hương vị riêng không lẫn vào đâu được.
Theo VTC News