Làng nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) được hình thành từ năm 1990, đến năm 2010 được UBND tỉnh công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Từ đây, nhiều lao động trụ với nghề và có cuộc sống ổn định, sung túc hơn. Những ngày giáp Tết, không khí làm việc tại làng chổi càng nhộn nhịp.
Làng nghề vừa được công nhận nhãn hiệu tập thể “Làng nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh”. Điều này góp phần tạo nên thương hiệu chung cho làng nghề, giúp mặt hàng chổi cọng dừa được nhiều nơi biết đến và dành được nhiều đơn đặt hàng hơn.
Từ đó, tạo việc làm ổn định cho người dân không chỉ trong mùa Tết mà còn liên tục quanh năm. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo tại đây khá nhiều bởi nhiều hộ không có đất sản xuất, không có trình độ học vấn nên rất khó tìm việc làm. Từ khi tham gia làng nghề này, cuộc sống của họ đã chuyển biến đáng kể.
Nối nghiệp mẹ với nghề làm chổi cọng dừa, hộ chị Lê Thị Kim Ngân (sinh năm 1990, ngụ ấp Tây Bình A, xã Vĩnh Chánh) hiện là một trong những vựa chổi cọng dừa lớn ở làng nghề này.
“Cũng như những ngành nghề khác, để sản phẩm chổi mang nét đặc trưng riêng của vùng thì việc chọn nguyên liệu vô cùng quan trọng. Nguyên liệu chính khi làm chổi, cọng dừa phải đảm bảo sáng, đẹp, dai, bền, được thu mua tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang; giá thu mua tại chỗ từ 17.000-18.000 đồng/kg. Sau khi vận chuyển về đến xã Vĩnh Chánh thì giá bán từ 20.000-22.000 đồng/kg, tùy thời vụ. Sau khi thu mua, tôi bắt đầu giao nguyên liêu cho thợ gia công và phân loại chổi hạng nhất, chổi hạng 2” - chị Ngân cho hay.
Hiện tại, giá bán chổi cọng dừa tại làng nghề có 2 dạng: Dạng theo đơn đặt hàng chất lượng cao có giá bán từ 25.000-30.000 đồng/cây; dạng thông thường có giá bán từ 10.000-20.000 đồng/cây. “Thời điểm cận Tết, nguyên liệu nhập về tăng gấp đôi vì đơn đặt hàng nhiều và nhu cầu sử dụng chổi cho việc quét dọn nhà cửa đón năm mới tăng hơn so với bình thường. Có khi, chúng tôi phải làm đến 8-9 giờ tối mới nghỉ tay” - chị Ngân nói thêm.
Công việc làm chổi phải trải qua 4-5 công đoạn. Đầu tiên là làm mái chổi - công đoạn mất nhiều thời gian và cực nhất. Sau khi đã định hình mái chổi, người thợ lần lượt tra (kết) cọng dừa vào, mỗi lần kết người thợ lấy dây găng buộc chặt để cọng chổi không dễ rơi, rớt khi quét.
Tiếp đó là công đoạn làm cán chổi, đóng tre vào lỗi của cán chổi (tăng độ bền), cuối cùng là danh chổi. Công đoạn này, người thợ dùng dao chặt cọng chổi cho đều và đẹp. Tất cả đều làm bằng thủ công nên người thợ mất khá nhiều công sức mới hoàn thành 1 cây chổi bền, đẹp đến tay người dùng.
Vào những tháng cuối năm, làng chổi hừng hực sức sống vì cây chổi rất hút hàng vào thời điểm này. “Cận Tết, người người dọn dẹp, nhà nhà dọn dẹp nên chổi cọng dừa vì thế bán rất chạy”. Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 12 (âm lịch) là cao điểm của nghề làm chổi cọng dừa.
Theo người dân nơi đây, cách vài ba ngày là có “mối” đến lấy hàng rồi chở đi phân phối các thị trường khác trong tỉnh. Dẫu làm đến “bở hơi tay”, có người phải chong đèn đến tận khuya để bó chổi nhưng ai cũng vui, đó là tín hiệu của một cái Tết no ấm, sum vầy.
Cô Dương Thị Kim Đến (sinh năm 1960, ấp Tây Bình A) chia sẻ: “Hơn 30 năm làm việc gia công chổi cọng dừa (tra cọng dừa và định hình mái), mỗi ngày tôi làm được khoảng 20 sản phẩm trở lên. Vì tất cả đều làm thủ công nên đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, cẩn thận để sản phẩm đạt chất lượng, xứng danh với làng nghề”.
Do sức khỏe, mấy năm nay chú Nguyễn Văn Bạo (sinh năm 1957, ngụ ấp Tây Bình A) nhận việc gia công chổi cọng dừa để kiếm thêm thu nhập. “Công việc nhẹ nhàng, tôi quan sát vài lần đã biết cách kết chổi cọng dừa. Mỗi ngày tôi làm được hơn 20 sản phẩm, tiền công khoảng 4.000 đồng/sản phẩm, kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí hàng ngày. Vì thời gian do mình chủ động, lúc nào rảnh thì làm, mệt thì nghỉ nên không đến nỗi vất vả” - chú Bạo bộc bạch.
Từ nhỏ đã được mẹ dạy nghề bó chổi cọng dừa, chị Nguyễn Thị Sương (sinh năm 1985, ngụ ấp Tây Bình A) cho biết, nghề này đã giúp mình ổn định cuộc sống, có thu nhập tương đối khá để lo cho gia đình.
Chị Sương cho biết: “Người thợ lành nghề phải mất cả giờ đồng hồ mới làm xong 1 sản phẩm. Còn những ai mới vào nghề thì thời gian lâu hơn. Vì chỉ nhận gia công sản phẩm, trung bình một ngày tôi làm “hết công suất” được khoảng 40 mái chổi, được trả công 4.000 đồng/sản phẩm. Thoạt nhìn nhiều người nghĩ việc tra cọng dừa, làm mái chổi khó nhưng thật ra chỉ cần siêng năng, cẩn thận chịu học hỏi sẽ nhanh thạo việc”.
PHƯƠNG LAN