Làng nghề “nương” theo con nước

15/10/2024 - 07:00

 - An Giang có nhiều làng nghề truyền thống được hình thành và duy trì hoạt động qua nhiều thập kỷ. Trong đó có những làng nghề “nương” theo mùa nước nổi từng hưng thịnh một thời, nhưng hiện nay có phần lắng lại.

Hình thành khoảng hơn 20 năm, xóm làm lọp cua (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú) đã từng hoạt động náo nhiệt, với hơn 80 hộ làm lọp, nhưng hiện nay chỉ còn chưa tới 10 hộ bám nghề. Ban đầu, người dân nơi đây làm lọp cua chủ yếu để đi bắt cua đồng phục vụ cuộc sống, chưa tính đến chuyện buôn bán lọp, sau đó nhiều người từ địa phương khác tìm đến mua lọp. Thấy nghề làm lọp có thể kiếm thêm thu nhập, nên các hộ dân nơi đây mua tre về bện lọp và số hộ tham gia nghề này ngày càng tăng, dần dần hình thành xóm chuyên làm lọp cua.

Bà con nơi đây kể lại, trước kia, mỗi năm khi con nước chưa chuyển màu phù sa, các hộ dân đã rục rịch chuẩn bị nguyên liệu đan lọp. Mỗi ngày, vào buổi trưa và chiều, người dân xóm lọp cua xúm xít ngồi bên lề đường phía trước nhà để đan lọp, không khí rất náo nhiệt. Mấy năm nay, nước về không nhiều, cua khan hiếm, lại thêm chi phí thu mua nguyên liệu làm lọp tăng, kéo theo giá lọp cung cấp ra thị trường cũng tăng, nên đơn hàng giảm.

Những hộ dân “bám” nghề làm lọp cua miệt mài với công việc

Để làm hoàn thành một chiếc lọp cua khá kỳ công. “Khi nguyên liệu tre, lồ ô mua về sẽ chuốt thành nan tre nhỏ, mang đi thui và phơi khô, sau đó đến công đoạn bện nan lọp, cuối cùng là bung lọp thành chiếc lọp hoàn chỉnh. Muốn làm ra chiếc lọp cua đẹp đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, khâu bung lọp phải thật khéo, sao cho lọp tròn và dây buộc cũng phải chắc chắn” - anh Nguyễn Văn Hoàng (chủ một cơ sở làm lọp cua ở ấp Mỹ Hòa) chia sẻ.

Năm 2009, nghề đan lọp cua Mỹ Đức được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Suốt thời gian dài, nghề này giúp các hộ dân có nguồn thu nhập khá. Tuy là nghề “nương” theo mùa nước nổi, nhưng những năm gần đây nước về không nhiều, nên nghề làm lọp cua cũng bấp bênh. Gặp năm nước thấp, người đặt lọp cua không mặn mà đi mua lọp mới. Số lượng đơn hàng giảm dần, người làm nghề đan lọp dần chuyển sang nghề khác. Nếu trước đây, mỗi hộ làm lọp cua cung cấp theo đơn đặt hàng vài ngàn chiếc lọp vào mùa nước nổi, thì hiện nay số lượng cung cấp ra thị trường giảm rất nhiều...

Như nghề làm lọp cua Mỹ Đức, nghề làm lưỡi câu Mỹ Hòa (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cũng “nương” vào con nước. Những năm 2000, làng nghề làm lưỡi câu Mỹ Hòa có đến hàng trăm cơ sở sản xuất, đến nay chỉ còn vài chục hộ. Lưỡi câu của làng nghề Mỹ Hòa nổi tiếng chất lượng sắc bén, đủ kích cỡ, nhiều chủng loại, đáp ứng nhu cầu đánh bắt cá ở các môi trường khác nhau nên được ưa chuộng. Nhiều năm qua, không chỉ được phân phối rộng khắp ở khu vực ĐBSCL, các tỉnh miền Trung, lưỡi câu Mỹ Hòa còn được bán sang Campuchia... Ngày trước vào giai đoạn cao điểm, mỗi ngày cả làng nghề tiêu thụ lượng lớn lưỡi câu ra thị trường và theo đơn hàng, hiện nay mỗi tháng tiêu thụ được vài tấn lưỡi câu.

Các công đoạn làm lưỡi câu là nhịp sống được diễn ra hàng ngày tại làng nghề

Năm 2007, làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa được UBND tỉnh công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Giai đoạn trước, máy móc hỗ trợ các công đoạn sản xuất lưỡi câu chưa thịnh hành, các công đoạn làm lưỡi câu đều được người thợ làm thủ công từ việc cán dây, chặt khúc dây, mài lưỡi, uốn lưỡi… Khi có máy móc, thiết bị hỗ trợ, các hộ làm lưỡi câu mở rộng quy mô sản xuất hướng đến thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, trong các công đoạn làm lưỡi câu có khoảng 80% các bước do máy móc hỗ trợ, sản lượng lưỡi câu làm ra nhiều hơn. Tuy nhiên, do con nước hàng năm biến động, lượng thủy sản không phong phú như xưa, phương thức đánh bắt ngày càng thay đổi… Do đó, làng nghề làm lưỡi câu không còn “hoàng kim” như trước.

Theo thời gian, cuộc sống có nhiều biến đổi, những làng nghề truyền thống cũng chịu ảnh hưởng, số người “bám” nghề dần thưa. Dù vậy, vẫn còn những người gắn bó với chiếc lọp cua hay lưỡi câu như “nguồn sống”. Họ vẫn miệt mài duy trì cái nghề “cha truyền, con nối” để những loại ngư cụ tiếp tục tỏa đi muôn nơi như giữ nét đẹp của làng nghề...

MỸ LINH