Phiên họp Hội đồng trẻ em nêu lên những vấn đề trẻ quan tâm
Hội đồng Đội tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Phiên họp mô hình Hội đồng trẻ em tỉnh An Giang năm 2024. Phiên họp năm nay, ngoài 25 đại biểu là thành viên của Hội đồng trẻ em tỉnh, còn có sự hiện diện của 150 đại biểu thiếu nhi trên địa bàn TP. Long Xuyên tham dự trực tiếp và 500 đại biểu thuộc 10 câu lạc bộ Quyền trẻ em của các huyện, thị xã, thành phố theo dõi trực tuyến tại các điểm cầu.
Tại Phiên họp mô hình Hội đồng trẻ em năm nay, các bạn trẻ đã nêu lên những vấn đề mà thiếu nhi quan tâm, về: An toàn trên không gian mạng; bạo lực học đường; tình trạng xâm hại trẻ em; các vấn đề vi phạm về quyền của trẻ em; an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ em tại trường học; các phương pháp giáo dục trẻ đúng cách... Ngoài ra, các bạn trẻ còn quan tâm đến an toàn giao thông ở trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội ở trẻ em; các hoạt động vui chơi, trau dồi kỹ năng sống và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Trong các nội dung này, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đang là nỗi ám ảnh, nhức nhối của toàn xã hội. Chỉ tính riêng năm 2023 trên địa bàn tỉnh, ngành công an đã xử lý 91 vụ xâm hại trẻ em, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 14 vụ xâm hại trẻ em.
Cũng tại phiên họp, các em đã nêu lên những trăn trở về các vấn đề xã hội. Em Nguyễn Thị Xuân Hoa (lớp 8A1, Trường THCS Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú) băn khoăn về tình trạng bạo lực học đường. Trong khi đó, em Nguyễn Lê Quốc Toản (lớp 7A1, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TX. Tịnh Biên) thì lo lắng trước tốc độ phát triển của Internet như hiện nay, cần có phương pháp quản lý để kiểm soát các hành vi tiêu cực trên mạng xã hội của các em học sinh...
Đối với em Trần Quốc Duy (lớp 6A5, Trường THCS thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) mong muốn tìm giải pháp để trẻ em có thể tự tin nói lên hoàn cảnh của mình, mọi người can thiệp kịp thời, tránh bị bạo lực gia đình. Em Lê Đỗ Bảo Thy (lớp 6A4, Trường THCS Lê Hưng Nhượng, huyện Chợ Mới) quan tâm về tình trạng bán thực phẩm không rõ nguồn gốc trước cổng trường. Em Võ Thị Như Ngọc (lớp 9A11, Trường THCS Cần Đăng, huyện Châu Thành) lo ngại về vấn đề học sinh sử dụng thuốc lá điện tử tràn lan...
Cùng với đó, em Chau Quốc Huy (lớp 6A1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Tri Tôn) mong muốn đưa ra những giải pháp hạn chế tối đa tình trạng đuối nước ở trẻ em. Em Lâm Phước Nguyên (lớp 6A6, Trường THCS Phú Mỹ, huyện Phú Tân) lo lắng tình trạng học sinh chạy xe gắn máy, xe điện không đội nón bảo hiểm...
Những thắc mắc, đề xuất của các em đã được đại diện các cơ quan chuyên môn, như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn An Giang giải đáp thỏa đáng. Qua đó, giúp các em định hướng những giải pháp thích hợp để trong học tập, vui chơi, sống trong môi trường an toàn, phát triển toàn diện.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hồ Thị Hồng Phướng cho biết, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục cho thiếu niên, nhi đồng là nhiệm vụ trọng tâm mà tổ chức Đoàn - Đội từ Trung ương đến cơ sở luôn quan tâm. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tháng 10/2018, Tỉnh đoàn đã tổ chức mô hình Phiên họp Hội đồng trẻ em. “Đây là bước khởi đầu để phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em, phản ánh nhu cầu, nguyện vọng và các vấn đề xã hội mà các em quan tâm kiến nghị đến các cấp lãnh đạo có thẩm quyền và các ngành liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em” - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hồ Thị Hồng Phướng chia sẻ.
Năm nay, Phiên họp Hội đồng trẻ em được tổ chức gắn với Liên hoan các đội tuyên truyền măng non về “Lắng nghe trẻ em nói về các vấn đề của trẻ em”. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích cho các em trong việc nâng cao năng lực bảo vệ chính bản thân trước những nguy hại từ cuộc sống xã hội.
ĐỨC TOÀN