Lắng nghe và được lắng nghe

04/04/2023 - 06:59

 - Chỉ nắm bắt dư luận xã hội (DLXH) thôi chưa đủ, mà cần có sự tổng hợp, phân tích, dự báo, tiếp nhận, phản hồi và định hướng DLXH. Thực hiện đồng bộ những hoạt động này tức là góp phần làm tốt công tác tuyên giáo nói riêng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nói chung.

Người dân phản ánh ý kiến trong hoạt động tiếp xúc cử tri

Lắng nghe dư luận

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, các địa phương, đơn vị tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo của lực lượng cộng tác viên DLXH các cấp; duy trì, tổ chức, tạo lập nhiều kênh để nắm bắt, tiếp thu phản ánh của dư luận, như: Thông qua mạng xã hội, qua đối thoại với nhân dân, “Diễn đàn lắng nghe dân nói”, tiếp xúc cử tri, họp tổ dân phố, khóm, ấp, chi bộ đảng ngành, cơ quan, đơn vị, cơ sở; qua tiếp xúc với công nhân, người lao động, nông dân, phụ nữ…

Điển hình là cách làm của Thị ủy Tân Châu. “Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, chúng tôi ấp ủ kế hoạch đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân. Một số cá nhân đóng góp rằng, việc này rất khó, nhạy cảm, không nên thực hiện. Tuy nhiên, chọn vấn đề khó, mới, đang bức xúc trong nhân dân để giải quyết, thì sao phải ngại?

Cùng quan điểm đó, Ban Thường vụ Thị ủy thống nhất chủ trương này. Hàng quý, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX. Tân Châu có buổi đối thoại với người dân, không lồng ghép với bất kỳ hoạt động nào; được truyền thanh trực tiếp đến cơ sở. Ngoài ra, chúng tôi còn đối thoại đột xuất khi người dân mong muốn, duy trì tiếp dân định kỳ… Sau 3 năm, nhìn lại hiệu quả, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận trái chiều đã giảm hẳn” - Bí thư Thị ủy Tân Châu Huỳnh Quốc Thái thông tin.

Hoạt động này ngoài củng cố niềm tin, tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho người dân, còn giúp cán bộ địa phương trưởng thành, chuẩn mực hơn trong lời nói và thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ. Muốn đối thoại với người dân, bản thân cán bộ phải nắm chắc, hiểu sâu vấn đề, nghiên cứu kỹ quy định của Đảng, nhà nước có liên quan. Từ đó, câu trả lời mới khiến người dân “tâm phục, khẩu phục”, tạo sự đồng thuận cao. Ở một góc độ khác, rất nhiều ý kiến tâm huyết của bà con gợi mở hướng đi mới, “hiến kế” cho địa phương trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phù hợp với thực tiễn và lòng dân.

Ngoài ra, một số sở, ngành, địa phương còn thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân liên quan đến hoạt động của lĩnh vực, ngành. Cùng với đó là xây dựng, tận dụng mạng xã hội, internet để tiếp nhận phản ánh, thông tin phản hồi những vấn đề bức xúc, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của người dân. Quý I/2023, gần 200 thông tin phản ánh liên quan vụ việc, vấn đề trong tỉnh (chưa kể hàng trăm nội dung liên quan tình hình thế giới, trong nước) được tiếp nhận.

Nhiều năm nay, tỉnh xây dựng đội ngũ “tai, mắt” các cấp, để lắng nghe DLXH. Số lượng cộng tác viên DLXH đã lên đến hàng ngàn. Họ có thể là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, là đoàn viên, thanh niên, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công đoàn viên, người lao động… sẵn sàng nắm bắt DLXH toàn tỉnh.

Để dư luận lắng nghe

Từ DLXH đã nắm bắt, định kỳ hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gửi văn bản đến UBND tỉnh, đề nghị chỉ đạo địa phương, đơn vị tiếp nhận, giải quyết và phản hồi vấn đề dư luận đặt ra. Khi có vấn đề, vụ việc “nóng” phát sinh, đột xuất trên địa bàn tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo địa phương, đơn vị nhanh chóng xác minh, xử lý và phản hồi, định hướng DLXH. Điển hình như vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, lừa đảo trên mạng xã hội; tình hình công nhân, người lao động bị sa thải, mất việc làm trước Tết Nguyên đán; tình trạng hát karaoke gây tiếng ồn dịp lễ, Tết; ô nhiễm môi trường tại khu vực chăn nuôi quy mô lớn…

Điều đáng ghi nhận là hầu hết vấn đề phản ánh của dư luận đều được cơ quan, đơn vị phản hồi rất nghiêm túc, chất lượng, giải tỏa được bức xúc trong nhân dân. Nội dung giải quyết, phản hồi DLXH được tổng hợp, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh để người dân theo dõi. Đó là kết quả thực hiện Quyết định 238-QĐ/TW, ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư về quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp, trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm.

Mặc dù vậy, việc nắm bắt, phản ánh DLXH ở một vài nơi đôi lúc chưa kịp thời, toàn diện. Còn tâm lý “tốt khoe, xấu che” hoặc chưa quan tâm phản hồi DLXH khi có yêu cầu, nội dung trả lời chung chung, chưa giải quyết được vấn đề… Đây là những hạn chế được chỉ ra tại Hội nghị giao ban công tác DLXH quý I/2023.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Lâm Thành Sĩ cho rằng, nắm bắt DLXH, cung cấp thông tin và phản hồi thông tin phải song hành cùng nhau. Thực tế cho thấy, việc đăng tải, chia sẻ thông tin chính thống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, cộng tác viên DLXH chưa nhiều, trong khi thông tin tiêu cực dễ dàng lan rộng.

“Do đó, cần phải “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin chính thống, tích cực trên phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội. Từng cộng tác viên DLXH phải phát huy hết vai trò được giao, kết nối thường xuyên và thông suốt hơn, đặc biệt là phản hồi thông tin cho người dân nắm rõ, cùng giám sát và đồng thuận” - ông Lâm Thành Sĩ đề nghị.

Nắm bắt DLXH là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để mọi hoạt động đều hướng về lợi ích chính đáng của nhân dân. Đó còn là đòi hỏi khách quan trong hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội hiện nay, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII yêu cầu: “Chú trọng nắm bắt, định hướng DLXH, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”.


GIA KHÁNH