Nhà vườn đang thu hoạch trái hồng quân
Khu vực Năm Giếng
Lạc vào “thủ phủ” hồng quân
Men theo con đường mòn, chúng tôi bắt đầu hành trình lang thang trên núi. Con đường ngang 2m, do nhà vườn hiến đất, hùn vốn đổ bê-tông lên tận đỉnh, thuận tiện chở trái cây cân cho thương lái. Anh Linh (34 tuổi) đang leo cây, bẻ trái hồng quân đợt cuối cùng trên triền núi Dài. Mùa này, hồng quân cho trái chín rộ, trông rất đẹp mắt.
Nhìn lên cây thấy trái chín lủng lẳng, tôi với tay hái, dùng thử tại chỗ. Hồng quân chín có hậu ngọt, vị chát nhẹ, rất thú vị. Anh Linh nói, để nhanh thu hoạch huê lợi, nhà vườn dùng kỹ thuật chiết cành, rồi trồng theo triền núi. Đầu mùa, hồng quân chín đỏ cây, quay phim, chụp ảnh rất đẹp. Năm nay, hồng quân trúng vụ, giá tăng nên nhà vườn trên núi vui mừng khấp khởi.
Anh Linh trồng được 3 công, 25 gốc, mỗi ngày thu hoạch 50 - 60kg, anh bỏ túi ngót nghét 500.000 đồng, sau khi trừ chi phí. “Từ tháng 7 đến tháng 11 (âm lịch), hồng quân cho trái rộ. Dứt vụ thu hoạch, tôi thu lợi khoảng 60 triệu đồng. Nhờ cây hồng quân mà tôi nuôi sấp nhỏ ăn học đàng hoàng”- anh Linh cười.
Lần đầu tiên chúng tôi chạy xe lên ngọn núi này, nếu không nhìn bảng chỉ đường chắc chắn sẽ bị lạc vào sâu khu vườn hồng quân của sơn dân. Du khách đi ngang qua triền núi, nếu lỡ lạc vào vườn hồng quân, có thể hái vài trái chín mọng, thưởng thức hương vị loại trái cây đặc hữu trên non cao, nhà vườn không hề quở trách. Vì đối với họ, hồng quân trên núi được tính bằng chục tấn, nên hái vài trái không đáng giá bao nhiêu.
Ngày trước, trên núi Dài Năm Giếng, chỉ vài hộ lập vườn trồng cây hồng quân dưới tán rừng. Tuy nhiên, sau đó trái hồng quân được nhiều người ưa chuộng, nhà vườn mở rộng diện tích trồng trọt, tăng thêm thu nhập. Ông Hai Bồi (60 tuổi) là một trong những lão nhà vườn tiên phong mở rộng diện tích trồng 25 công, với hàng trăm gốc hồng quân trên lưng chừng núi. Mỗi đợt thu hoạch kiếm thu nhập cả chục triệu đồng.
“Tôi có mảnh đất trên núi, trước đây trồng chuối. Do huê lợi không cao, tôi chuyển sang trồng hồng quân. Hiện nay, trái hồng quân được tiêu thụ mạnh trên thị trường, trong đó nước bạn Campuchia ưa chuộng nên giá 14.000 đồng/kg (cao gấp đôi so những năm trước)” - ông Hai Bồi chia sẻ. Mùa mưa, hồng quân sai trái, nhà vườn thi nhau hái bán. Nhờ vậy, nhân công có thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng từ “nghề” leo cây hái trái thuê. “Hiện nay, trái hồng quân chín còn được chế biến thành rượu, được mọi người tìm mua” - anh Tuấn (một nhân công) cho hay.
Khu vực điện Ông Hổ trên núi Dài Năm Giếng
Chốn yên bình
Trên núi còn hoang sơ, vắng vẻ, mỗi tấc đất đồi núi đều được bà con cải tạo trồng trọt, mang lại giá trị kinh tế khá hơn so với trước đây. Qua khỏi triền núi, chúng tôi đến khu vực đất trống được người dân khai khẩn, cải tạo khá bằng phẳng, gặp bà Bảy Sánh (64 tuổi) ở một mình trên núi. Bà nói, ở đây yên tĩnh, khí hậu mát mẻ, hàng ngày chăm sóc vườn tược, cây ăn trái, tâm hồn rất thanh thản. Chỉ tay trên vồ đá cao, bà Bảy Sánh nói rằng, đó là điện Ông Hổ được bà con tín ngưỡng lập miếu thờ rất lâu. Những ngày rằm lớn, lễ, Tết, khá nhiều đoàn khách du lịch đến hành hương, cúng kiếng.
Ngọn núi này chủ yếu thu hút khách du lịch tâm linh. Ngày trước, chưa có đường bê-tông, bà con thường lội bộ lên núi hành hương. Trên núi có các điểm du lịch được nhiều đoàn khách lui tới, như: Năm Giếng, điện Ngọc Hoàng, hang Chư Vị Năm Ông, điện thờ Phật Thầy Tây An. Tại 5 cái giếng trên nền đá, tích trữ nước quanh năm. Mỗi khi ghé qua, du khách đều dùng tay vốc nước mát rửa mặt, thật sảng khoái sau hành trình leo núi mệt nhọc.
Thấy được địa điểm tiềm năng này, người dân thuê một khu đất trống, mở quán phục vụ thức ăn, nước uống cho khách du lịch. Các giếng được họ che chắn, tránh rác rơi xuống làm ô nhiễm nguồn nước mát. “Khoảng mùng 2 Tết, trên núi thu hút rất đông du khách đến thưởng ngoạn, chiêm bái. Lọt qua rằm tháng Giêng, mỗi ngày hàng trăm du khách ghé qua. Nhờ vậy, vợ chồng tôi có thu nhập từ phục vụ thức ăn, bánh, trái cây, nhang đèn, nước giải khát” - anh Phong (chủ quán gần Năm Giếng) bày tỏ.
Con đường mòn độc đạo dẫn tôi lên xuống dốc, rồi xuyên qua núi. Mùa này có mưa nên rong rêu bám đường trơn trượt. Không quen với địa hình, khi xuống dốc tôi bị chới với, rồi đạp thắng sau suýt ngã xe. Đến những con dốc thẳng đứng, tôi rút ra được kinh nghiệm: Phải gài số 1 và giữ đều 2 cần thắng cho xe đổ dốc thật chậm. Xế trưa, chạy xuyên qua núi, lâu lâu mới thấy căn nhà của sơn dân. Cạnh đó, trên vài băng đá, họ đang ngồi nghỉ xả hơi, huyên thuyên chuyện trồng cây, hái trái rôm rả...
Tuột xuống tới dốc núi an toàn, tôi thở phào nhẹ nhõm sau hành trình rong chơi đầy thú vị. Có thể khẳng định, ngọn núi này là địa chỉ du lịch tâm linh còn hoang vắng, thích hợp cho lữ khách đến chinh phục, khám phá.
LƯU MỸ