Từ năm 2011, Oanh tổ chức góp hụi tại TX. Tân Châu, huyện Phú Tân và một số địa phương khác, sử dụng tên thường gọi của mẹ ruột là É (bà Đoàn Thị Điểu, sinh năm 1974). Hình thức hụi định kỳ 10 ngày, 15 ngày và 1 tháng mở hụi. Oanh hưởng huê hồng 50% trên tổng số tiền mỗi lần mở hụi. Đến tháng 11/2019, Oanh tổ chức góp hụi, giao tiền cho hụi viên đầy đủ, đúng thời gian quy định.
Tuy nhiên, từ tháng 12/2019, Oanh không còn khả năng thanh toán, nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền để tiếp tục duy trì dây hụi do Oanh làm chủ. Oanh mở thêm nhiều dây hụi, cho nhiều người tham gia, tự thêm tên khống (không có người thật chơi hụi). Đến kỳ khui hụi, lợi dụng một số hụi viên không đến bỏ thăm mở hụi, Oanh tự ý lấy tên của họ, hoặc tên khống do Oanh tự đặt ra để hốt hụi, nói dối hụi viên “đã có người hốt hụi”.
Tháng 7/2021, đang làm chủ 30 dây hụi, 169 hụi viên, Oanh bất ngờ tuyên bố vỡ hụi (ngưng hụi). Cơ quan chức năng xác định, Oanh ghi tên khống 106 phần hụi, hốt 101 phần (hơn 6,7 tỷ đồng); tự ý lấy tên hụi viên hốt 219 phần hụi (14,4 tỷ đồng). Sau khi khấu trừ hụi sống, hụi chết và đóng lãi, Oanh còn chiếm đoạt vốn thực chầu của 147 hụi viên, tổng số tiền hơn 16,8 tỷ đồng. Qua các kết quả điều tra, ngày 9/2/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố điều tra đối với Oanh.
Bị cáo Oanh khai báo hành vi phạm tội
Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Oanh khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, phù hợp với diễn biến phạm tội nêu trên. Ngoài ra, bị cáo còn trình bày: “Việc lấy tên É là để tạo lòng tin đối với mọi người, vì hụi viên cho rằng bị cáo nhỏ tuổi, vừa học hết lớp 11. Riêng việc ghi khống, bị cáo không nhớ cụ thể đã ghi khống tên bao nhiêu người, bao nhiêu phần để hốt, chỉ nhớ vài tên, như: Dung, Gấm, Thắm, Duyên, Dư, Kiều.
Trong những tên này, Nhung, Duyên, Dư trước đây tham gia chơi hụi, nhưng sau này không còn tham gia nữa. Những tên khác là do bị cáo tự nghĩ ra. Trong quá trình khui hụi, nếu thiếu tới đâu thì bị cáo hốt phần hụi do bị cáo ghi tên khống để bù vào. Ngoài ra, nếu không đủ thì bị cáo tự ý hốt phần hụi của hụi viên khác, tiếp tục bù vào, nhưng không nói cho họ biết”.
Số tiền hốt hụi, bị cáo Oanh sử dụng vào việc tràn hụi cho hụi viên hốt thực, bù lãi cho phần lấy hốt và tiêu xài cá nhân. Bản thân bị cáo nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng để cố gắng giữ chân hụi viên tiếp tục tham gia, bị cáo mới làm liều.
Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Oanh là người có đầy đủ nhận thức, gia đình có công việc buôn bán ổn định. Nhưng vì muốn kiếm thêm tiền, bị cáo nghỉ học, tổ chức nhiều dây hụi cho nhiều người tham gia. Cho đến khi không còn khả năng chi trả, bị cáo lợi dụng sự tin tưởng của các hụi viên để tiếp tục lập ra 30 dây hụi, ghi khống tên tham gia, chiếm đoạt tiền của hụi viên. Tòa án nhân dân tỉnh quyết định xử phạt Oanh 20 năm tù tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự; buộc bị cáo phải trả tiền lại cho các hụi viên bị chiếm đoạt.
Việc tổ chức họ, hụi, biêu, phường (gọi tắt là hụi) phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi. Không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
|
NGUYỄN HƯNG