Lầu Năm Góc siết quyền tiếp cận tài liệu mật

13/04/2023 - 08:14

CBS đưa tin, Lầu Năm Góc quyết định thu hẹp quyền truy cập vào các tài liệu được phân loại.

Hôm 12/4, CBS dẫn nguồn tin cho hay, Lầu Năm Góc đã giảm đáng kể số lượng người trong danh sách phân phối của chính phủ để nhận thông tin mật.

Theo nguồn tin CBS, trước vụ rò rỉ tài liệu mật gần đây, khoảng 1.000 người thường có quyền tiếp cận những tài liệu như vậy. Thực tế, các tài liệu bị rò rỉ đã được in, chụp và sau đó tải lên trực tuyến. Giới chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy thủ phạm đằng sau vụ rò rỉ sẽ sớm được xác định.

Trụ sở Lầu Năm Góc. (Ảnh: AFP)

Số lượng các máy in được phép in các tài liệu mật như vậy rất hạn chế. Tất cả thiết bị được phép thực hiện nhiệm vụ đều yêu cầu một ID khi in, điều này sẽ giúp thu hẹp nhóm đối tượng trong diện khả nghi.

Nhiều tài liệu thuộc loại mật đã được lưu hành trực tuyến trong nhiều tuần, có thể là nhiều tháng, song chỉ mới được giới truyền thông cũng như Chính phủ Mỹ phát hiện vào tuần trước. Vụ rò rỉ được mô tả là tổn thất lớn nhất Chính phủ Mỹ phải hứng chịu kể từ khi WikiLeaks công bố hàng nghìn tài liệu mật về các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Chính phủ Mỹ không xác nhận cũng không phủ nhận tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố Lầu Năm Góc đang đánh giá nghiêm túc tình hình và cam kết "lật tung mọi tảng đá" để xác định chính xác điều gì đã xảy ra.

Nỗ lực của Lầu Năm Góc là một phần của cuộc điều tra nội bộ rộng lớn hơn về vụ việc. Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra để xác định người hoặc nhóm nào có khả năng và động cơ tiết lộ thông tin tình báo của Mỹ. 

Nội dung tài liệu bị rò rỉ cho thấy Mỹ thường xuyên theo dõi một số đồng minh thân cận của mình, thông tin về nỗ lực lập kế hoạch tác chiến của Mỹ và NATO ở Ukraine, dữ liệu về chi phí đạn dược, thời gian huấn luyện. Tài liệu cũng hé lộ thông tin vũ khí, cũng như cơ cấu của các đơn vị chiến đấu Ukraine và ước tính tổn thất trên chiến trường của Ukraine và Nga. 

Moskva đã đặt câu hỏi về tính xác thực của các tài liệu. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho rằng vụ rò rỉ có thể do chính Washington dàn dựng như một phần trong nỗ lực “chiến tranh hỗn hợp” chống lại Nga. 

Theo KÔNG ANH(VTC News/RT)