Theo cáo trạng, Trân có trình độ trung cấp sư phạm mầm non, được bà Nguyễn Thị Huyền Trang (chủ nhóm trẻ “Sắc màu tuổi thơ”) thuê quản lý và dạy trẻ. Từ tháng 3 đến 5-2018, trong lúc cho các bé ăn, Trân nhiều lần đối xử thậm tệ, như: dùng tay đánh vào đầu, mặt bé N.H.P.A; dùng tay đánh vào đầu bé N.P.Đ; dùng lược, roi bằng nhựa đánh vào đầu, tay bé H.K.A (cùng sinh năm 2016). Hậu quả, các bé bị sưng bầm, không dám đến nhà trẻ.
Ngày 24-8, hành vi của Trân bị phát tán trên facebook, gây bức xúc trong xã hội. Làn sóng phẫn nộ, bức xúc trong dư luận bùng phát dữ dội. Bất kỳ ai cũng cảm thấy trái tim như bị bóp nghẹt khi nhìn thấy những đứa bé nhỏ xíu, yếu ớt run rẩy dưới đòn roi của “mẹ hiền”.
Theo kết quả khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính, không phát hiện các bé bị thương tích. Gia đình cũng từ chối đưa các bé đi giám định sức khỏe tâm thần. Tuy không gây tổn thương cơ thể cho các bé, nhưng hành vi của Trân đã vi phạm nghiêm trọng quy định về tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, gây bức xúc cho phụ huynh, dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Bị cáo Trân trong phiên tòa
“Trong thời gian học, các bé thường bị bầm tím tay, chân, mặt… Khi phụ huynh hỏi thì bị cáo Trân cho rằng “chạy đùa bị té”. Phụ huynh rất tin tưởng cơ sở giữ trẻ và cô giáo, nhất là khi đến đón trẻ về, cô bắt các cháu phải ôm hôn cô. Đó cũng là một cách hành hạ trẻ, bắt các bé phải miễn cưỡng làm việc trái ý muốn. Việc chăm sóc trẻ, nhất là quá trình cho ăn phải tạo không khí vui tươi, thay vì roi vọt như vậy! Các hành vi bạo hành đối với trẻ em, dù ở góc độ đạo lý hay pháp lý đều không thể chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm khắc để trừng trị người phạm tội và răn đe chung” - trợ giúp viên pháp lý Lê Thị Đóa (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của 3 trẻ bị hại) đề xuất.
Hôm xét xử sơ thẩm, Trân hốc hác và xuống sắc rất nhiều so với ngày bị bắt tạm giam. Bị cáo chẳng dám nhìn ai, gương mặt thoáng chốc già hơn tuổi 21. Trong quá trình điều tra, Trân khai nguyên nhân phạm tội là do muốn các bé ăn nhiều, tăng cân.
Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, Trân phân bua: “Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng chỉ diễn ra trong 1 ngày, không kéo dài nhiều tháng. Mỗi lần cho các bé ăn thì chúng không ăn. Bị cáo năn nỉ, các bé không nghe, nên mới chọn biện pháp đánh. Nhưng bị cáo chỉ đánh 1 lần vào ngày hôm đó, còn mấy lần trước bị cáo dụ dỗ bằng kẹo hoặc năn nỉ các bé. Sau khi vụ việc vỡ lỡ, bị cáo đã nhờ cha, mẹ đến thăm hỏi gia đình các bé và gửi lời xin lỗi”. Gần cuối phiên tòa, Trân quay xuống tạ tội với phụ huynh của 3 đứa trẻ bị bạo hành: “Bị cáo nông nổi nên đã có những hành động sai trái. Bị cáo rất hối hận, xin lỗi các phụ huynh”. Tuy nhiên, lời xin lỗi ấy rơi vào thinh không, chẳng có phản hồi.
Trong vụ án này, mặc dù bà Nguyễn Thị Huyền Trang không phải là người gây ra hành động bạo lực với trẻ, nhưng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Nhóm trẻ bị giải thể, bản thân bà và gia đình chịu áp lực từ dư luận và mất hết niềm tin từ phụ huynh. Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử tuyên buộc bà có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần cho các bé bị hành hạ, mức tiền tương ứng 10 tháng lương cơ bản đối với mỗi bé. Bà đã sai ở chỗ thiếu trách nhiệm trong quản lý cơ sở giữ trẻ của mình, khi chuyện tồi tệ diễn ra lại không hề hay biết.
“Vào cuối giờ chiều, Trân dẫn các bé từ lầu 1 xuống tầng trệt để chờ cha, mẹ đến đón. Trong đó, có những lần tôi thấy một số bé có vết bầm, trầy xước nên hỏi chuyện. Trân cho biết các bé chạy giỡn rồi té, hoặc bị bạn cào. Vì vậy, khi phụ huynh hỏi, tôi trả lời tương tự. Từ thời điểm xảy ra vụ việc đến nay, lúc nào tôi cũng cảm thấy khủng hoảng và ám ảnh nhiều lắm. Cơ sở cũ đã đóng cửa rồi, bản thân tôi không còn tự tin với nghề giữ trẻ nữa, nên đã chuyển sang công việc khác” - bà Trang giải bày.
Trân đã trả giá rất nhiều cho sai lầm của mình. Khi hành hạ những đứa trẻ mình nuôi dạy, tức là Trân đang hủy hoại tương lai của bản thân. Thời hạn tù có thể trôi qua mau, nhưng nỗi dằn vặt, hối hận trong lương tâm bị cáo sẽ kéo dài, khó phai nhạt. Trách cũng đã trách, giận cũng đã giận, thôi thì hãy bao dung để cho người trong cuộc có điều kiện chuộc lại lỗi lầm. Và hãy lấy lại niềm tin rằng, những câu chuyện xót xa như thế chỉ là thiểu số trong ngành giáo dục mà thôi.
Theo Điều 140 Bộ luật Hình sự, hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội “đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đối với 2 người trở lên” bị phạt tù từ 1-3 năm. |
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG