Lấy ý kiến 2 dự án luật quan trọng

15/03/2022 - 04:16

 - “Việc xây dựng Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) cơ sở và Luật Trật tự, An toàn giao thông (ATGT) đường bộ thực sự có tính cấp thiết, có cơ sở lý luận thực tiễn và luận cứ khoa học, góp phần quan trọng vào bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối nội trong tình hình mới” - đại tá Bùi Bé Năm, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang nhấn mạnh.

Những năm qua, bảo vệ ANTT là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên của hệ thống chính trị và toàn dân, được tiến hành theo phương châm “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, lực lượng công an làm nòng cốt, nhân dân làm chủ”. Phương châm hết sức chiến lược nhưng cũng rất cụ thể, đó là “Bảo đảm ANTT từ xa, từ sớm, từ cơ sở”. Giải quyết vụ việc phức tạp về ANTT theo phương châm "4 tại chỗ".

Đặc biệt, sau khi Bộ Công an thực hiện chủ trương chính quy hóa Công an xã, mô hình bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền địa phương, vai trò nòng cốt của Công an xã, sự tham gia vào cuộc của quần chúng nhân dân, cá nhân (trước đây đã tham gia Công an xã trước khi chính quy hóa)... đạt được kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc hơn “Thế trận lòng dân”, nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân.

Bên cạnh đó, bảo đảm trật tự ATGT đường bộ góp phần bảo vệ cơ sở hạ tầng quốc gia. Phòng, chống các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT trên lĩnh vực giao thông đường bộ là hết sức cần thiết. Mục tiêu tổng quát là hàng năm giảm 5-10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ, tiến tới xây dựng xã hội có hệ thống giao thông đường bộ một cách bền vững, an toàn, thông suốt; người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức pháp luật, hình thành văn hóa giao thông an toàn, văn minh…

Nhằm tạo sự đồng thuận, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng 2 dự án luật, Công an tỉnh vừa tổ chức hội thảo xây dựng Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở và Luật Trật tự, ATGT đường bộ. Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết của việc xây dựng 2 dự án luật; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của 2 dự án luật trong đời sống xã hội nói chung, công tác bảo đảm ANTT nói riêng. Đồng thời, từ thực tiễn công tác chiến đấu, phân công, phân cấp, quan hệ phối hợp của công an các đơn vị, địa phương về công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở và trật tự ATGT; phân tích, làm rõ cơ sở thực tiễn, bài học kinh nghiệm và những vấn đề trọng tâm cần được quan tâm, chú ý và phương hướng xây dựng, hoàn thiện 2 dự án luật. Đã có nhiều ý kiến tham luận đóng góp đầy trách nhiệm và tâm huyết.    

Cụ thể, đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, các đại biểu cùng nhau làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở hiện nay (bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách, lực lượng dân phòng) và sự cần thiết phải xây dựng, ban hành luật. Qua đó, khẳng định địa vị pháp lý về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách, điều kiện bảo đảm nhằm phát huy vai trò của các lực lượng này được đồng bộ trong thời gian tới.

Đối với công tác xây dựng, củng cố, phát triển, phát huy vai trò của lực lượng tự quản trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc phải gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là rất cần thiết, cấp thiết, nhằm khắc phục những bất cập về cơ sở pháp lý trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở liên quan đến quyền công dân, quyền con người như hiện nay.

Đối với dự án Luật Trật tự, ATGT đường bộ, các đại biểu đã phân tích, đánh giá tình hình, thực trạng bảo đảm trật tự ATGT đường bộ trên địa bàn trong thời gian qua. Đồng thời, làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước giao thông đường bộ. Từ đó, cho thấy sự cần thiết phải xây dựng Luật Trật tự, ATGT đường bộ. Các đại biểu trình bày những khó khăn khi người dân tham gia giao thông và đề xuất, kiến nghị xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về trật tự ATGT đường bộ.

Đại tá Bùi Bé Năm yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức về sự cần thiết, vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng, ban hành và những nội dung cơ bản của 2 dự án luật. Thông qua công tác tuyên truyền, tiếp tục nắm tình hình dư luận trong các tầng lớp nhân dân, ý kiến đối với việc xây dựng 2 dự án luật…

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG 

 

Liên kết hữu ích