Lễ hội kỷ niệm 590 năm ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang. Ảnh tư liệu: Đào Văn Ngọc
Lễ hội năm nay được tổ chức với nhiều nghi thức tâm linh, hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Trong đó, tối 2/6 sẽ diễn ra nghi thức dâng hương, khai mạc lễ hội, sân khấu hóa tái hiện Vua Lê Thái Tổ đăng quang. Các ngày 3 - 4/6 sẽ diễn ra lễ rước kiệu truyền thống xung quanh hồ Hoàn Kiếm, triển lãm tranh dân gian Hàng Trống, triển lãm ảnh về vẻ đẹp hồ Hoàn Kiếm, biểu diễn thư pháp… Ngoài ra, còn có các hoạt động: Biểu diễn cờ người, biểu diễn võ thuật… tại các khu vực khác nhau quanh hồ Hoàn Kiếm.
Mùa Xuân năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi cùng với các nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa, dấy binh chống quân Minh ở Lam Sơn (Thanh Hóa). Ông tự xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nước kêu gọi dân chúng hưởng ứng cùng theo ông đánh giặc cứu nước. Trải qua 10 năm chiến đấu gian khổ, lại được nhiều tướng tài giúp, Lê Lợi mở rộng vùng kiểm soát và đánh chiếm liên tiếp các đồn giặc, lấy lại được thế trận. Năm 1426, ông tiến tới cho quân bao vây thành Đông Quan, một mặt cho quân bố trí trận địa diệt viện binh giặc từ phương Bắc xuống và thắng lớn ở Chi Lăng, Xương Giang, Cần Trạm, chém tướng giặc là Liễu Thăng, Lý Khánh, diệt hàng chục vạn địch, thu toàn bộ vũ khí, quân lương. Thành Đông Quan bị cô lập, Lê Lợi dời đại bản doanh từ Đông Phù Liệt về bên kia sông Cái, lập doanh trại Bộ Đề để chỉ đạo việc bao vây, kêu gọi đầu hàng. Ngày 3 tháng Giêng năm Mậu Thân (1428), quân Minh cuối cùng rời khỏi ải Bắc. Đông Quan tưng bừng trở lại là Đông Đô với niềm vui giải phóng.
Lễ rước kiệu truyền thống xung quanh hồ Hoàn Kiếm tại Lễ hội kỷ niệm Vua Lê Thái Tổ đăng quang. Ảnh tư liệu: Đào Văn Ngọc
Ngày 15/4, Lê Lợi làm lễ đăng quang chính thức lên ngôi Vua tại điện Kính Thiên, xưng là Thuận thiên thừa vận Duệ Văn Anh Đại Vũ Vương, đặt quốc hiệu là Đại Việt, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, ban bố bài Cáo Bình Ngô, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.
Ngoài sự nghiệp lẫy lừng, Vua Lê Thái Tổ còn để lại một giai thoại đẹp, đó là truyền thuyết Hồ Gươm. Tương truyền, khi dựng cờ khởi nghĩa, Lê Lợi nhận được gươm thần để đánh giặc. Sau khi đất nước hòa bình, Vua cùng bầy tôi đi thuyền trên hồ Tả Vọng (hồ Hoàn Kiếm). Tại đây, vua gặp Rùa thần từ dưới nước ngoi lên nhắc chuyện trả gươm. Vua Lê Thái Tổ đã tháo gươm trao lại cho Rùa thần. Từ giai thoại đó, hồ Tả Vọng được đặt tên là hồ Hoàn Kiếm, hay hồ Gươm.
Tưởng nhớ Vua Lê Thái Tổ, bên hồ Hoàn Kiếm có Khu tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ được đặt tại số nhà 16 phố Lê Thái Tổ (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm). Khu tưởng niệm hiện nay có tượng đài Vua Lê Thái Tổ và đình Nam Hương - nơi thờ Vua Lê Thái Tổ và các vị thần khác.
Lễ rước kiệu truyền thống xung quanh hồ Hoàn Kiếm tại Lễ hội kỷ niệm Vua Lê Thái Tổ đăng quang. Ảnh tư liệu: Đào Văn Ngọc
Từ năm 2007, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu Đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm" với 14 Lễ hội (trong đó có 7 lễ hội quy mô cấp quận, 7 lễ hội quy mô cấp phường). Trong đó, Lễ hội Vua Lê Thái Tổ đăng quang được tổ chức quy mô cấp quận 5 năm một lần. Lễ hội Vua Lê đăng quang được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 đúng dịp kỷ niệm 580 năm ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang.
Theo TTXVN