Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)
Liên hợp quốc ước tính dân số thế giới sẽ lên 8 tỷ người vào giữa tháng 11 và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những thập kỷ tới dù ở tốc độ chậm hơn và không đồng đều giữa các khu vực.
Liên hợp quốc dự báo dân số thế giới sẽ lên 8 tỷ người vào ngày 15/11 tới, cao hơn gấp 3 lần so với con số 2,5 tỷ người vào năm 1950. Tuy nhiên, Trưởng nhóm dân số và phát triển của Bộ phận kỹ thuật thuộc Quỹ Dân số Liên hợp quốc, bà Rachel Snow chỉ ra rằng sau khi đạt đỉnh vào đầu những năm 1960, tốc độ tăng dân số thế giới đã giảm mạnh.
Cụ thể, tốc độ tăng dân số hằng năm đã giảm từ mức 2,1% trong giai đoạn 1962-1965 xuống còn dưới 1% vào năm 2020. Liên hợp quốc nhận định con số này có thể giảm xuống khoảng 0,5% vào năm 2050 do tỷ lệ sinh giảm.
Với tuổi thọ và số người trong độ tuổi sinh nở tăng lên, Liên hợp quốc dự đoán dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, khoảng 9,7 tỷ người vào năm 2050 và đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ người vào năm 2080.
Trong khi đó, trong nghiên cứu năm 2020, Viện Thống kê và đánh giá y tế (IHME) có trụ sở tại Mỹ ước tính dân số thế giới sẽ đạt đỉnh vào năm 2064 và sẽ giảm xuống 8,8 tỷ người vào năm 2100. Tác giả Stein Emil Vollset, Giáo sư Đại học Washington, cho biết nghiên cứu này sử dụng mô hình tính toán tỷ lệ sinh nở khác, trong đó ước tính dân số thế giới sẽ chỉ lên tới trong khoảng 9-10 tỷ người.
Năm 2021, tỷ suất sinh là 2,3 con/phụ nữ, giảm từ mức 5 con/phụ nữ vào năm 1950. Liên hợp quốc dự đoán con số này sẽ giảm xuống 2,1 con/phụ nữ vào năm 2050. Bà Snow nhận định thế giới đang bước vào giai đoạn phần lớn các quốc gia và người dân đang sinh sống tại nơi có tỷ suất sinh thấp hơn mức sinh thay thế là khoảng 2,1 con/phụ nữ.
Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống.
Động lực chính thúc đẩy tăng trưởng dân số toàn cầu là việc tuổi thọ tiếp tục tăng lên 72,8 năm vào năm 2019, cao hơn 9 năm so với năm 1990. Liên hợp quốc dự báo tuổi thọ trung bình vào năm 2050 là 77,2 năm. Kết quả này đồng nghĩa rằng tỷ lệ những người trên 65 tuổi sẽ tăng từ 10% vào năm 2022 lên 16% vào năm 2050.
Xu hướng dân số già hóa sẽ tác động đến thị trường lao động và hệ thống hưu trí quốc gia, đòi hỏi tăng cường dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Liên hợp quốc nhấn mạnh xu hướng tăng dân số sẽ không đồng đều giữa các khu vực, theo đó hơn 50% dân số tăng lên vào năm 2050 sẽ tập trung tại 8 quốc gia là CHDC Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania.
Độ tuổi trung bình tại các khu vực khác cũng có sự chênh lệch lớn chưa từng thấy, với độ tuổi trung bình tại châu Âu là 41,7 và vùng hạ Sahara châu phi là 17,6. Theo bà Snow, hai con số này có thể bù trừ cho nhau. Tuy nhiên, không như trước đây, khi độ tuổi trung bình ở các nước hầu hết phản ánh dân số trẻ, trong tương lai, độ tuổi này sẽ phản ánh xu hướng dân số già hóa ở hầu hết các nước.
Theo Liên hợp quốc, Trung Quốc, Ấn Độ - hai quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ hoán đổi vị trí vào năm 2030. Cụ thể, dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc sẽ giảm xuống 1,3 tỷ người vào năm 2050. Đến cuối thế kỷ này, dân số Trung Quốc có thể giảm xuống còn 800 triệu người.
Trong khi đó, dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào năm 2023 và tăng lên 1,7 tỷ người vào năm 2050, dù tỷ suất sinh hiện tại đã giảm xuống dưới mức thay thế. Mỹ tiếp tục là quốc gia đông dân thứ 3 trên thế giới vào năm 2050 và sẽ ở mức ngang bằng với Nigeria là 375 triệu người.
Theo ĐẶNG ÁNH (TTXVN)