Đồng chí Nguyễn Trùng Khánh: Việc sáp nhập tỉnh, thành phố tạo ra không gian phát triển du lịch rộng lớn hơn, có tính liên kết cao hơn, tạo điều kiện để các địa phương tái cấu trúc chiến lược phát triển du lịch, phát triển các tour du lịch liên vùng và đổi mới sản phẩm. Đây sẽ là cơ hội để phát triển du lịch đồng bộ với những trải nghiệm độc đáo, mới lạ, tạo bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.
|
Đồng chí Nguyễn Trùng Khánh. |
Tuy nhiên, việc sáp nhập các tỉnh, thành phố cũng đặt ra một số thách thức, nhất là trong công tác quản lý điểm đến, công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng du lịch. Việc bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, gìn giữ cảnh quan du lịch... đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền cấp xã và sự điều phối chủ động từ cơ quan du lịch cấp tỉnh. Sau khi sáp nhập, việc tạo dựng một thương hiệu du lịch chung và đồng nhất là một nhiệm vụ không dễ dàng bởi mỗi khu vực đều có những điểm mạnh và sản phẩm du lịch khác nhau, việc kết hợp và phát triển một thương hiệu chung cần phải có chiến lược rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Để hỗ trợ địa phương, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản hướng dẫn rà soát, điều chỉnh và xác định đơn vị hành chính có di tích được công nhận, xếp hạng là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản lịch sử quốc gia đặc biệt của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, tổ chức lại... Trong thời gian tới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp với mục tiêu bảo đảm hoạt động du lịch được triển khai liền mạch, thông suốt, đúng định hướng.
PV: Ngành du lịch Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững. Vậy theo đồng chí, đâu là yếu tố then chốt để hiện thực hóa mục tiêu đó trong giai đoạn mới?
Đồng chí Nguyễn Trùng Khánh: Để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, cần đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả, ngành du lịch sẽ thực hiện phương châm “Sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục nhanh gọn, giá cả cạnh tranh, môi trường sạch đẹp, điểm đến an toàn và thân thiện”. Để tạo sự bứt phá cho ngành du lịch bước vào kỷ nguyên mới, thời gian tới, ngành sẽ thúc đẩy hoàn thiện thể chế theo hướng kiến tạo, tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp, đồng thời cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch. Việc mở rộng chính sách miễn thị thực, đơn giản hóa thủ tục xuất, nhập cảnh, tăng cường kết nối giao thông quốc tế và khuyến khích phát triển các loại hình du lịch mới cũng được xác định là động lực thu hút khách quốc tế hiệu quả.
|
Du khách tham quan Không gian trưng bày làng nghề truyền thống Ninh Bình. Ảnh: MINH ĐƯỜNG |
Cùng với đó, ngành du lịch sẽ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, xây dựng thương hiệu tầm cỡ quốc tế, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái du lịch chuyên nghiệp, cạnh tranh và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức nghề nghiệp cũng là yếu tố quan trọng, nhất là trong liên kết vùng, quảng bá điểm đến và đào tạo nguồn nhân lực. Tất cả những nỗ lực này nhằm tạo ra một cú hích chiến lược, đưa du lịch Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển sâu sắc hơn, chuyên nghiệp hơn và bền vững hơn.
PV: Nhân dịp 65 năm Ngày thành lập ngành, đồng chí muốn gửi gắm thông điệp gì tới những người đang làm việc trong lĩnh vực du lịch và tới đông đảo du khách?
Đồng chí Nguyễn Trùng Khánh: Trải qua 65 năm, du lịch Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp ngày càng tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Nhân dịp này, tôi gửi lời tri ân sâu sắc đến tất cả những người đã và đang cống hiến cho sự phát triển của ngành, từ cán bộ quản lý, doanh nghiệp, hướng dẫn viên, người lao động trực tiếp đến cộng đồng địa phương trên khắp mọi miền đất nước. Chính sự tận tâm, sáng tạo và bền bỉ của họ đã góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam thân thiện, hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế. Tôi cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế, những người luôn đồng hành, tin tưởng và lựa chọn Việt Nam là điểm đến.
Trong chặng đường sắp tới, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, lấy du khách làm trung tâm, phát triển theo hướng xanh, thông minh và bền vững hơn nữa. Chúng tôi mong muốn mỗi người dân, mỗi du khách đều trở thành đại sứ du lịch, cùng gìn giữ vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa và con người Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!