Linh hoạt các biện pháp bình ổn thị trường, thúc đẩy tiêu dùng hàng trong nước

11/07/2025 - 19:27

Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp của các cơ quan chức năng, nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu sẽ được bảo đảm, giá cả dù có tăng nhưng trong giới hạn kiểm soát.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường; chủ động, linh hoạt triển khai các biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường và thúc đẩy tiêu dùng hàng sản xuất trong nước. Mục tiêu là vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước, diễn ra ngày 11/7, tại Hà Nội.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, thị trường hàng hóa trong nước nhìn chung ổn định, nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, đặc biệt trong các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán Ất Tỵ và kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.

Kết quả này đạt được nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương và các địa phương trong công tác chuẩn bị hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường. Nhóm hàng thiết yếu như năng lượng, nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm luôn được đảm bảo. Một số mặt hàng có biến động giá cục bộ, điển hình là thịt lợn trong quý 1/2025 do thiếu hụt nguồn cung và dịch bệnh, nhưng đã được kiểm soát và ổn định trở lại từ đầu quý 2/2025.

Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 3,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,27% so với cùng kỳ 2024. Một số nhóm hàng ghi nhận mức tăng cao như lương thực-thực phẩm, văn hóa phẩm-giáo dục và dịch vụ du lịch (tăng 9,53%-23,23%). Trong khi đó, nhóm may mặc, thiết bị gia đình, phương tiện đi lại tăng chậm (0,16%-6,09%). Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ tăng 7,12%.

Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với cùng kỳ 2024, vẫn trong giới hạn kiểm soát lạm phát Quốc hội giao. Một số nhóm tăng cao gồm: thực phẩm (tăng 4,15% do giá thịt lợn tăng trong quý 1/2025), nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 5,73% do giá điện và vật liệu tăng), thuốc và dịch vụ y tế (tăng 13,87%), dịch vụ khác (tăng 6,6%). Các nhóm còn lại tăng nhẹ từ 1,11%-3,69%; riêng nhóm giao thông và bưu chính viễn thông giảm lần lượt 3,63% và 0,45% do giá xăng dầu và thiết bị điện tử giảm.
img-9229.jpg

Ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin, tính đến 24/6/2025, dư nợ tín dụng đạt trên 16,8 triệu tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ và 7,73% so với cuối năm 2024. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành để hỗ trợ tổ chức tín dụng tiếp cận vốn rẻ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đại diện Tổ điều hành thị trường trong nước nhận định, thời gian tới, nhiều yếu tố trong và ngoài nước sẽ ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa. Căng thẳng chính trị tại Trung Đông, châu Á, châu Âu, đặc biệt ở các khu vực sản xuất nhiên liệu, năng lượng mà Việt Nam đang nhập khẩu… sẽ làm tăng chi phí đầu vào và mặt bằng giá trong nước.

Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại của các nước lớn tiếp tục gây khó khăn cho xuất khẩu, tạo áp lực tiêu thụ hàng hóa trong nước. Thiên tai, dịch bệnh những tháng cuối năm tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là bão và dịch bệnh trên vật nuôi khi thời tiết chuyển mùa.

Ở chiều ngược lại, vốn đầu tư công sẽ được giải ngân mạnh vào cuối năm, nhất là sau khi các địa phương ổn định tổ chức sau sáp nhập, góp phần thúc đẩy nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng và nhân công. Các yếu tố trên sẽ tác động đến cung-cầu hàng hóa trong những tháng cuối năm 2025.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu vẫn sẽ được bảo đảm, giá cả dù có tăng nhưng trong giới hạn kiểm soát.

Tại cuộc họp, đại diện Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2025 của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, cũng như Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước đạt từ 8% trở lên./.

Theo Vietnam+