Linh hoạt trong dạy học, kiểm tra trực tuyến

08/05/2021 - 12:16

Trước tình trạng liên tục xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, một số địa phương đã cho học sinh, sinh viên tạm dừng đến trường để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, đồng thời chuyển sang dạy học trực tuyến để duy trì, nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo đúng kế hoạch.

Do đã có kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng dạy học trực tuyến từ những đợt dịch trước đây, lần này, hầu hết các thầy, cô giáo, học sinh đều không bỡ ngỡ, bước vào dạy học với tinh thần chủ động, sẵn sàng. Bên cạnh đó, do Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã ban hành Thông tư số 09 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, cho nên các cơ sở giáo dục có căn cứ để triển khai thống nhất cách thức tổ chức dạy học trực tuyến. Theo quy định, học sinh mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25-5, kết thúc năm học trước ngày 31-5; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 15-6; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 31-7; thi tốt nghiệp THPT từ ngày 6 đến 9-7.

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở giáo dục chưa quen với việc kiểm tra, đánh giá định kỳ trực tuyến do chưa có tiền lệ. Trong khi đó, đây là giai đoạn "nước rút" của cả học sinh và thầy cô khi phải hoàn thành các bài kiểm tra cuối kỳ, nhất là kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều trường, lớp hiện nay vẫn chưa hoàn thành các bài kiểm tra cuối kỳ, công tác ôn tập cho học sinh lớp 9, lớp 12 cũng bị ảnh hưởng. Ðiều này khiến cho không ít phụ huynh và học sinh băn khoăn, lo lắng. Thông tư số 09 đã cho phép ở thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ mà học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, hiệu trưởng các trường quyết định kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến. Nhà trường phải có các biện pháp để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chính xác, khách quan, công bằng, trung thực, nhất là đánh giá đúng năng lực học sinh. Thông tư số 09 mới ban hành vào tháng 3-2021 và đợt dịch này là "phép thử" để các quy định đi vào cuộc sống. Ðể làm tốt việc này, các địa phương, cơ sở giáo dục cần chuẩn bị chu đáo hạ tầng kỹ thuật như: mạng in-tơ-nét, hệ thống máy chủ, phần mềm dạy học, quản lý, tài khoản riêng để học sinh truy cập… Việc ra đề thi để kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến vẫn phải theo nguyên tắc bảo đảm độ khó, đúng yêu cầu cần đạt của chương trình như thi trực tiếp. Nhà trường phải tính toán phương án có thể giám sát được quá trình làm bài của học sinh, bảo đảm làm bài đúng thời gian, trung thực, công bằng.

Trong thời gian này, Bộ GD và ÐT cần tăng cường phối hợp Bộ Y tế kịp thời thông tin, chỉ đạo các Sở GD và ÐT các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp tình hình dịch bệnh; cho phép các cơ sở giáo dục kiểm tra lại, kiểm tra bổ sung đối với các trường hợp chưa hoàn thành kỳ kiểm tra định kỳ học kỳ II.

Các cơ sở giáo dục cần bám sát tình hình dịch bệnh để điều chỉnh kế hoạch dạy học, xây dựng phương án, kịch bản dạy học, kiểm tra, đánh giá linh hoạt; quan tâm ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh cuối cấp, học sinh chuẩn bị thi, tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT. Tùy điều kiện cụ thể, các địa phương, cơ sở giáo dục có thể xây dựng phương án duy trì tổ chức học tập trực tiếp. Những tỉnh, thành phố có dịch với mức độ nguy cơ cao, không thể tổ chức dạy học trực tiếp, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo hình thức trực tuyến, bảo đảm đủ thời lượng, kiến thức, kỹ năng cho học sinh để hoàn thành chương trình năm học; có thể điều chỉnh lịch kiểm tra, đánh giá định kỳ học sinh sớm hơn. Việc chuẩn bị chu đáo, linh hoạt trong dạy học, kiểm tra, đánh giá, ôn tập không chỉ đáp ứng các yêu cầu hoàn thành chương trình của ngành giáo dục, mà còn góp phần phòng, chống dịch hiệu quả.

Theo QUÝ TÙNG (Nhân Dân)