Lính mũ nồi xanh Việt Nam – Những sứ giả hòa bình của Tổ quốc

06/02/2019 - 09:48

Đúng 15 giờ ngày 30-9, chiếc máy bay vận tải quân sự C-17 của Không quân Australia hạ cánh và lăn bánh vào vị trí tiếp nhận hàng hóa ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đây là chiếc máy bay sẽ đưa 63 chiến sĩ quân y của quân đội Việt Nam lên đường triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Ngày 1-10-2018, chiếc C-17 cất cánh đưa họ tới đất nước Nam Sudan xa xôi.

“Trực chiến” trong màn

Cũng chỉ đúng một tuần sau khi đặt chân đếnNam Sudan, các chiến sĩ quân y Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ công tác ổn định cuộc sống, lắp đặt trang thiết bị. Buổi tối ngày 7-10, khi tiếp nhận chùm chìa khóa cổng doanh trại từ tay những quân nhân Anh, những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam chính thức bước vào ca trực đầu tiên. Ca trực trong màn chống muỗi vì bệnh sốt rét ở Nam Sudan đặc biệt nguy hiểm…

Những chiến sĩ thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam chuẩn bị lên đường sang Nam Sudan thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam cung cấp)

Dù chỉ mới sang được vài ngày nhưng tất cả mọi phái bộ Liên Hợp Quốc đều công nhận quân đội Việt Nam có khả năng thích nghi rất nhanh. Với khí hậu châu Phi, nhiệt độ thường xuyên ở mức 50oC thì chỉ riêng việc làm quen với cái nóng cũng đủ khiến người mệt nhoài. Nước sinh hoạt không có nhiều. Vấn đề giao thông cũng khó khăn. Cả đất nước Nam Sudan có chưa tới 100km đường nhựa.

Khi vừa đặt chân đến phái bộ, các chiến sĩ còn không có chổi (vì chổi gửi theo đường biển) nhưng họ đã dùng những tấm bìa và chỉ trong vòng một đêm đã làm sạch tất cả các công-ten-nơ với tổng diện tích lên tới 10.000 m2. Vài ngày sau, chi bộ Đảng đã họp buổi đầu tiên còn các Hội Thanh niên, Hội phụ nữ cũng đều đi vào hoạt động rất sớm như thể đang ở trong nước.

Có một chuyện rất thú vị ít người biết là ngay khi vừa đặt balo xuống Nam Sudan, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã lập tức tỏa ra đi “cuốc vườn” và đánh luống trồng rau bằng những hạt rau giống mang từ Việt Nam sang.

Chỉ có mấy bữa ăn đầu tiên là được Liên Hợp Quốc cung cấp nhưng cũng chỉ sau khoảng 3 ngày, bếp ăn của Bệnh viện đã đỏ lửa, từ đó bộ đội ta bắt đầu ăn cơm Việt Nam. Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế lại là một việc rất khó ở một địa bàn như Nam Sudan hay các nước châu Phi khác. Chính nhờ những vườn rau này mà chỉ sau một thời gian ngắn, bữa ăn của bộ đội được cải thiện đáng kể, theo đúng khẩu vị bữa ăn Việt Nam. Việc chúng ta trồng rau cũng là điều gây ra cho các sĩ quan nước ngoài ở phái bộ LHQ rất kinh ngạc. Lúc đầu họ không hiểu các “ông lính” Việt Nam làm gì nhưng khi rau lớn và được mời ăn thử thì họ thán phục: Sao mà các bạn giỏi thế, có nhiều thứ ngon thế!

Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam trồng rau, cải thiện bữa ăn tại Nam Sudan.

Nói về khả năng thích ứng của các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kể: “Có thể ở trong nước, điều này không có dịp thể hiện nhưng sang nước ngoài, khả năng thích nghi của bộ đội Việt Nam lại trở thành một đặc điểm nổi trội. Chúng ta không bị mang hình ảnh của một đội quân viễn chinh bụi bặm, nhếch nhác, lôi thôi. Bộ Quốc phòng là người tổ chức cho những đồng chí đó đi mà cũng phải ngỡ ngàng. Nó rất đáng tự hào và cũng thú vị”.

Những sứ giả hòa bình

Có thể nói việc Việt Nam đưa Bệnh viện dã chiến cấp 2 đi Nam Sudan đã tạo ra một tiếng vang trong dư luận thế giới. Ấn tượng đầu tiên của phái bộ Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan là những người lính Việt Nam rất thân thiện. Triển khai một Bệnh viện dã chiến cấp 2 trong một doanh trại lớn của Liên Hợp Quốc với nhân viên là những người đủ các quốc tịch khác nhau, đủ các loại bệnh khác nhau nhưng thái độ của các chiến sĩ quân y Việt Nam khiến mọi người rất hài lòng.Từ thái độ đón tiếp bệnh nhân, cho đến khi khám chữa bệnh hay khi quan hệ với các phái bộ khác đều được đánh giá rất cao. Thậm chí có những nhân viên của Liên Hợp Quốc khi điều trị khỏi bệnh đã nói rằng họ muốn được bệnh nữa để có dịp quay trở lại.

Một điểm đặc biệt và tạo ra sự khác biệt nhất của bộ đội Việt Nam ở Nam Sudan là chúng ta rất quan tâm đến những người dân nghèo của đất nước này. Một yêu cầu của Bộ Quốc phòng đề ra đối với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 là phải đặc biệt quan tâm đến việc giúp đỡ trẻ em. Ở đó, các chiến sĩ quân y Việt Nam sẵn lòng khám chữa bệnh, cấp thuốc cho trẻ em, người nghèo Nam Sudan với mệnh lệnh: Trẻ em có bệnh là phải khám, có thuốc là phải cấp mà không được thu tiền.

Thuốc chữa bệnh cho người dân Nam Sudan theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc nhưng để tuân thủ quy định “không cấpthuốc cho người ngoài phái bộ” của Liên Hợp Quốc, Bệnh viện dã chiến của Việt Nam phải mang theo một cơ số thuốc riêng của mình.

Việt Nam – Hồ Chí Minh

Ở Nam Sudan, mỗi vùng đều do một lực lượng, bộ tộc hay phe phái có vũ trang chiếm cứvà “bắn nhau suốt ngày”. Khi các đoàn công tác hoặc cứu trợ của Liên Hợp Quốc phải đi qua ranh giới những khu vực đó là cả một vấn đề nan giải bởi những tay súng ở đó rất thích gây khó dễ, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Một số sĩ quan liên lạc người Việt Nam thường được tín nhiệm giao nhiệm vụ dẫn các đoàn xe của Liên Hợp Quốc đi qua các vùng này bởi mỗi khi bị chặn lại,chỉ cần sĩ quan liên lạc nói: Chúng tôi là sĩ quan Việt Nam! thì hầu hết những tay súng ở Nam Sudan đều ồ lên và nói: Việt Nam – Hồ Chí Minh. Ngay lập tức đoàn xe của Liên Hợp Quốc được đi qua rất dễ dàng, bất kể đó là phe nào.

Rút kinh nghiệm việc này, từ các chuyến công tác sau, những sĩ quan Việt Nam ngoài treo cờ thường gắn thêm dòng chữ VIỆT NAM thật to trên xe. Phù hiệu trên ngực áo cũng được thay bằng dòng chữ Việt Nam to hơn.

“Ở một đất nước xa xôi, người dân ít học và bị cô lập như thế mà vẫn biết đến Việt Nam – Hồ Chí Minh và sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho các sĩ quan ta làm tốt nhiệm vụ chỉ vì câu “là sĩ quan Việt Nam”. Thế mới thấy chữ Việt Nam có một vốn liếng lớn đến như thế nào”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Vượt qua gian khó

Bộ đội Việt Nam cũng có nhiều sáng tạo, ví dụ như chuyện nước sinh hoạt. Thông thường, các nhân viên của phái bộ sử dụng nước đóng chai do LHQ cung cấp, kể cả nước tắm hay nước sinh hoạt cũng được cấp nhưng số lượng khá hạn chế. Nắm được tình hình này, khi triển khai Bệnh viện dã chiến chúng ta đã mang theo 3 bộ thiết bị khoan giếng. Một trong những việc đầu tiên ở Nam Sudan là khoan giếng và sau đó là sử dụng các máy lọc do Nhật, Mỹ viện trợ. Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn chúng ta đã tự chủ được nguồn nước uống và nước tắm, nước sinh hoạt, thậm chí là nước sử dụng cho y tế.

Lễ kéo cờ Việt Nam tại Nam Sudan.

Tiếp đến là chuyện đào hầm phẫu thuật. Trong danh mục của LHQ, một bệnh viện dã chiến cấp 2 buộc phải có 2 cái hầm đủ điều kiện thực hiện các ca mổ hay khám chữa bệnh trong trường hợp có chiến sự. Thông thường các nước khác phải đúc boongke bằng bê tông rồi cẩu từ nước mình sang. Cái loại boongke này thì rất hiện đại nhưng lại bất tiện. Nhưng các chiến sĩ Việt Nam lại quyết định sử dụng “đặc sản” từ thời chiến tranh chống Mỹ là… hầm chữ A. Khi sang Nam Sudan, 2 chiếc hầm chữ A này lập tức thể hiện được sự tiện lợi, thông thoáng hơn hẳn mà lại rất…Việt Nam. Tất cả những sự sáng tạo này khiến các bạn bè quốc tế cảm thấy rất lạ và thừa nhận “chỉ mỗi Việt Nam làm được như thế”.

Dự kiến đến đầu năm 2020, Việt Nam sẽ cử một đội công binh với khoảng gần 300 chiến sĩ sang một nước châu Phi. Đây là một yêu cầu rất thiết tha của LHQ đối với Việt Nam. Các hoạt động chuẩn bị cũng sẽ nặng nề hơn rất nhiều bởi quân số đông và quy mô, yêu cầu về trang thiết bị, máy móc… nhưng Bộ Quốc phòng rất quyết tâm là chúng ta sẽ triển khai được và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo LÊ GẠCH (Infonet)

 

Liên kết hữu ích