Lo dịch bệnh Covid-19, không quên sốt xuất huyết

29/04/2020 - 04:38

 - Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh An Giang đã xảy ra hơn 800 cas mắc sốt xuất huyết, trong đó có 171 cas nặng, nhiều địa phương có số cas mắc tăng cao hơn so cùng kỳ. Giữa thời điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, điều kiện ăn ở sinh hoạt của các gia đình tập trung nhiều hơn, cộng với thời tiết bất thường, xuất hiện mưa, là yếu tố rất đáng quan tâm để chủ động phòng sốt xuất huyết.

Tổ chức xuống địa bàn dân cư kiểm tra môi trường sinh hoạt kết hợp tuyên truyền cho người dân về sốt xuất huyết

Tại TX. Tân Châu, từ đầu năm đến nay, bệnh sốt xuất huyết và tay- chân- miệng tiếp tục xảy ra. Toàn thị xã ghi nhận 58 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong. So cùng kỳ năm 2019, số cas mắc bệnh sốt xuất huyết tăng 20 cas, có 6 cas bệnh nặng. Trung tâm Y tế TX. Tân Châu khuyến cáo người dân, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc tập trung nhân lực, kinh phí, trang thiết bị để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cần được ưu tiên.

Bên cạnh đó, không thể chủ quan, lơ là đối với dịch bệnh sốt xuất huyết và các loại dịch bệnh theo mùa khác. Những ngày qua, lần lượt các địa phương đã tổ chức ra quân diệt lăng quăng ở địa bàn dân cư kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn hộ gia đình nhiều biện pháp phòng bệnh. Trước mắt đã thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng đợt 1 trong năm đối với các xã, phường có số cas mắc bệnh cao.

Trong điều kiện thực hiện “giãn cách xã hội”, ngành chức năng đã vận động toàn dân cùng nhau nâng cao ý thức trong thực hiện các biện pháp vệ sinh, theo tinh thần “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, không nên để dịch bùng phát sẽ càng khó khăn trong việc chữa trị.

Các huyện: Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, An Phú và TP. Long Xuyên… là những địa phương có cas mắc sốt xuất huyết cao của tỉnh. Thời gian qua, các địa phương này tiếp tục duy trì biện pháp phòng bệnh, như: mỗi xã 1 đội đặc nhiệm xử lý môi trường khi có dịch bệnh xảy ra, tuyên truyền bằng loa phóng thanh lưu động, thực hiện “Tổ tự quản không có lăng quăng”, cử cán bộ giám sát các đợt ra quân, treo băng-rôn trực quan tại văn phòng ấp, địa bàn dân cư, phát tờ rơi…

Riêng trong tháng 4, xã Khánh Hòa (Châu Phú) đã xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết và được phun hóa chất 2 đợt để dập dịch diện rộng. Ấp Khánh Hòa có 900 hộ dân với gần 5.000 dân số; đầu tháng 4, trong ấp có 10 cas sốt xuất huyết, toàn xã Khánh Hòa có 47 cas mắc. Các ban, ngành, đoàn thể phối hợp cán bộ y tế tuyên truyền, vận động sâu rộng ở từng hộ dân và hướng dẫn người dân xử lý môi trường cùng các biện pháp phòng bệnh cần thiết.

Từ ngày 28-4, ngành y tế huyện Phú Tân phối hợp các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng đợt 2. Hiện tại, toàn huyện ghi nhận 49 cas mắc sốt xuất huyết với 18 ổ dịch, xảy ra ở 13/18 xã, thị trấn, tập trung nhiều ở các xã: Phú Thọ, Hòa Lạc, Phú Thạnh…

So cùng kỳ, số cas mắc tăng 11,3%, trong tình hình thời tiết bất thường như hiện nay, dự báo nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tăng, nhất là khi xuất hiện mưa, dễ phát sinh muỗi gây dịch bệnh. Trung tâm Y tế huyện Phú Tân đã tích cực giám sát phát hiện và điều trị sớm cas bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời và hiệu quả, thực hiện phun hóa chất diện rộng chủ động tại khu vực nguy cơ, duy trì và nâng chất các mô hình phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Thạnh (ngụ ấp Phú Đông, xã Phú Xuân) chia sẻ, nhờ được cán bộ, cộng tác viên đến nhà hướng dẫn thường xuyên, gia đình ông nắm rõ kiến thức phòng sốt xuất huyết, như: vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch sẽ, ngủ mùng, xúc rửa dụng cụ chứa nước để không phát sinh lăng quăng, luôn ý thức phòng bệnh bất kể là mùa nào.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, do thời tiết thay đổi bất thường nên số cas mắc còn tăng ở một số địa phương. Thêm vào đó, chỉ số muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình chưa hạ thấp ở mức an toàn cho phép. Bên cạnh những hộ đã ý thức, vẫn còn bộ phận người dân ỷ lại ngành chức năng và chỉ thực hiện thời gian ngắn... Phòng, chống sốt xuất huyết sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hợp tác của cộng đồng.

Để khống chế và không để dịch sốt xuất huyết gia tăng, phải chủ động thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, tích cực hơn. Lưu ý nữa là hiện nay người dân tập trung sinh hoạt ở nhà nhiều, việc vệ sinh ăn ở và dọn dẹp môi trường thông thoáng là rất cần thiết.

Do vào thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng mạnh, trong khi một số nơi nguồn nước máy cung cấp yếu, cúp nước thường xuyên, các gia đình tích trữ bằng cách hứng nhỏ giọt vào lu, thùng để dành, đây là môi trường dễ phát sinh muỗi nếu không được xúc rửa thường xuyên.

MỸ HẠNH