Trái cây tươi nguyên quả chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Bởi vậy, đây là nhóm thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và có thể là một phần trong kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, những bệnh nhân tiểu đường vẫn nên thận trọng. Một số loại quả có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nhiều hơn những loại khác.
Người bị tiểu đường nên hạn chế loại quả có chỉ số đường huyết cao như dưa hấu. Ảnh: Sundayobserver
Trái cây tác động như thế nào đến đường huyết?
Theo Verywellhealth, trái cây chứa carbohydrate có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn. Ngoài ra, một số loại quả có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng nhanh hơn những loại khác, tùy thuộc vào hàm lượng chất xơ và đường fructose.
Đường fructose trong trái cây
Đường có trong trái cây được gọi là fructose, bị phá vỡ hoặc chuyển hóa nhanh chóng ở gan. Lượng đường trong máu có thể tăng nhanh nếu bạn hấp thụ nhiều fructose cùng lúc nhưng điều đó ít xảy ra khi bạn ăn trái cây tươi.
Trái cây chứa nhiều chất xơ, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Tất cả phối hợp với nhau để hỗ trợ mức glucose (đường trong máu) trong ngưỡng lành mạnh. Một nghiên cứu ghi nhận những người mắc bệnh tiểu đường ăn trái cây tươi ba ngày mỗi tuần có nguy cơ biến chứng mạch máu (bao gồm cả đột quỵ) thấp hơn.
Chất xơ trong trái cây
Chất xơ có trong trái cây, cả hòa tan và không hòa tan, có thể ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa. Loại chất này cũng hạn chế hấp thụ chất béo, đồng thời tăng cảm giác no, dẫn đến ăn ít hơn.
Hàm lượng chất xơ có thể thay đổi tùy thuộc vào trạng thái của quả. Toàn bộ trái cây tươi có nhiều chất xơ nhất. Nấu ăn phá vỡ cấu trúc chất xơ trong trái cây. Khi đó, quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn nhưng cũng đồng nghĩa hấp thụ đường dễ dàng hơn.
Cách tốt nhất là bạn nên chọn những loại trái cây có vỏ ăn được, chẳng hạn như táo, dâu tây, nho; hạn chế thực phẩm cần gọt vỏ như chuối, dưa.
Nếu muốn uống nước ép, bạn nên kết hợp cả trái cây và rau củ. Ảnh: Langridge
Loại trái cây cần hạn chế
Sấy khô
Trái cây sấy khô có tính chất siêu đậm đặc sau khi trải qua quá trình chế biến. Do đó, mỗi khẩu phần sấy khô có lượng carbohydrate cao hơn so với trái cây tươi. Loại sấy khô cũng có thể chứa thêm đường và ít chất xơ hơn nếu loại bỏ vỏ.
Trong 200g nho khô có khoảng 100g carbs và 100g đường. Ngược lại, 200g nho tươi chứa 27g carbs và 23g đường.
Nước ép
Ngay cả nước ép trái cây 100% cũng có thể khiến lượng đường huyết tăng đột biến trong vài phút. Lý do là cơ thể không phải làm việc nhiều để phân hủy đường trong nước trái cây khi gần như toàn bộ chất xơ bị loại bỏ.
Nước trái cây cũng cung cấp nhiều calo hơn nhưng không khiến bạn cảm thấy no. Điều này có thể cản trở nỗ lực giảm cân. Một nghiên cứu đã phát hiện uống nước ép quả có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn.
Nếu muốn uống nước ép, hãy thử pha với nước để giảm lượng uống hoặc kết hợp rau và trái cây.
Trái cây có chỉ số đường huyết cao
Chỉ số đường huyết (GI) là thước đo mức độ ảnh hưởng của một số loại thực phẩm nhất định đến lượng đường trong máu của bạn. Quả càng chín thì chỉ số đường huyết càng cao. Các con số cũng thay đổi tùy theo cách chế biến.
Mặc dù chỉ số đường huyết không phải dữ liệu hoàn hảo nhưng bệnh nhân tiểu đường nên tham khảo khi lựa chọn trái cây để ăn. Chỉ số GI của trái cây càng cao thì việc kiểm soát đường huyết càng khó khăn.
Một số loại quả có chỉ số GI cao (trên 56) nên hạn chế gồm dứa (GI = 56), chuối (58), dưa hấu (72). Các loại có chỉ số GI thấp gồm quả mâm xôi (4), bưởi (25), táo (38).