Sau sáp nhập, An Giang hiện có 5 bệnh viện (BV) tham gia điều trị đột quỵ, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), gồm: BV Đa khoa Châu Đốc, BV Đa khoa An Giang, BV Đa khoa Tân Châu, BV Đa khoa Kiên Giang, BV Tim mạch An Giang. Trong đó, BV Tim mạch An Giang đạt giải Kim cương, là cơ sở công lập đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhận giải thưởng này. Cả 4 BV (Đa khoa Châu Đốc, Đa khoa An Giang, Đa khoa Tân Châu, Tim mạch An Giang) đều có thể thực hiện tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, riêng BV Đa khoa Châu Đốc còn triển khai thành công kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Đặc biệt, BV Tim mạch An Giang còn được Hiệp hội Suy tim châu Âu cấp giấy chứng nhận và bảng chứng nhận “Chất lượng Trung tâm chuyên khoa quản lý suy tim” là 1 trong 8 cơ sở y tế ở Việt Nam và là BV đầu tiên tại ĐBSCL đạt chuẩn của Hội tim châu Âu về quản lý suy tim. ThS.BS Bùi Hữu Minh Trí - Giám đốc BV Tim mạch An Giang chia sẻ: “Đây chính là kết quả của quá trình phấn đấu của BV từ bước đầu thành lập Phòng khám quản lý suy tim, chương trình quản lý suy tim ngoại trú, kết nối với BV Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh qua chương trình RedCap, nối tiếp điều trị từ nội trú để quản lý bệnh nhân tốt hơn và điều chỉnh liều thuốc tối ưu nhằm giảm tỷ lệ tử vong, tái nhập viện và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh suy tim. Tới đây, BV sẽ tiếp tục phấn đấu để bệnh nhân suy tim được hưởng lợi nhiều hơn từ các chương trình quản lý”.

Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Châu Đốc cứu sống bệnh nhân đột quỵ
GS.TS Đặng Vạn Phước - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam ghi nhận: “BV Tim mạch An Giang đóng vai trò then chốt trong điều trị tim mạch tại ĐBSCL, phát triển chương trình quản lý suy tim hiệu quả, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong điều trị suy tim và hội nhập quốc tế. Hy vọng, thời gian tới BV tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình quản lý suy tim để cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ tái nhập viện và tử vong cho người bệnh suy tim”.
PGS.TS.BS Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “3 năm qua, số ca đột quỵ được can thiệp tăng mạnh. Giai đoạn 2023 - 2024, toàn tỉnh tiếp nhận trên 16.000 ca. Số ca chuyển tuyến giảm rõ rệt, cho thấy năng lực điều trị tại chỗ được củng cố vững chắc. Trước bối cảnh đột quỵ gia tăng theo từng năm tại An Giang, trong khi căn bệnh này có thể phòng ngừa cũng như việc điều trị sớm giúp giảm tỷ lệ tử vong, tàn tật, Sở Y tế đã xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ, đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Mạng lưới này được triển khai trên 3 mũi nhọn, đó là tăng cường công tác truyền thông phòng, chống đột quỵ, xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ dựa vào cộng đồng và tổ chức các đơn vị điều trị đột quỵ”.
Từ năm 2020, ngành y tế tỉnh đã triển khai đề án xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ dựa vào cộng đồng tại tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang cũ. Hơn 150 xe cấp cứu từ thiện trên địa bàn được huy động, kết nối thông qua các nhóm Zalo để chia sẻ thông tin kịp thời giữa tài xế và các cơ sở y tế. Ngoài ra, áp phích hướng dẫn nhận biết đột quỵ được dán khắp các xe cấp cứu, giúp gia đình người bệnh và cộng đồng hành động nhanh hơn trong tình huống khẩn cấp.
Trong tương lai, ngành y tế An Giang sẽ tiếp tục củng cố mạng lưới cấp cứu dựa vào cộng đồng, chuẩn hóa đội xe cấp cứu tình nguyện, phấn đấu xây dựng Trung tâm cấp cứu 115 về đột quỵ cho tỉnh và ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp cứu ngoại viện. Đồng thời, mở rộng các đơn vị điều trị đột quỵ; thành lập đơn vị điều trị đột quỵ tại các Trung tâm y tế; thành lập BV đột quỵ biên giới. Cùng với đó, xây dựng mạng lưới hội chẩn từ xa với Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, BV Nhân dân 115 và vùng ĐBSCL…, tạo nên mạng lưới chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, phục vụ tận tâm cho người dân. Đồng thời, trở thành trung tâm điều trị trọng điểm, hỗ trợ hiệu quả cho các tỉnh lân cận khu vực ĐBSCL.
Hội Nhịp tim học TP. Hồ Chí Minh phối hợp Bệnh viện Đa khoa An Giang vừa tổ chức hội nghị xác định và điều trị các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch, quy tụ hơn 400 bác sĩ các tỉnh, tuyến Trung ương tham dự, giúp các bác sĩ thực hành dễ dàng hơn, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả điều trị, chăm sóc cho người mắc bệnh tim mạch tại An Giang và đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp đó, Bệnh viện Đa khoa An Giang thành lập Khoa Tim mạch can thiệp, triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại như can thiệp động mạch vành, đặt stent…, giúp rút ngắn thời gian cấp cứu, giảm tỷ lệ tử vong và di chứng sau biến chứng tim mạch. |
Bài và ảnh: HẠNH CHÂU