
Người dân đến cơ sở y tế xét nghiệm máu tầm soát bệnh
Tùy theo siêu vi gây bệnh mà được đặt tên khác nhau là viêm gan siêu vi A, B, C, D hay viêm gan siêu vi E. Bác sĩ Đỗ Thanh Bình - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, bệnh viêm gan siêu vi A và E lây truyền theo đường tiêu hóa do dùng nước uống, thực phẩm bị nhiễm siêu vi hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người mắc mầm bệnh. Bệnh viêm gan siêu vi B, C và D lây truyền qua đường máu như truyền máu, dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, cây nặn mụn, kìm cắt móng, kim xăm, bàn chải đánh răng... lây truyền qua đường tình dục không an toàn và từ mẹ truyền sang con.
Sau khi mắc bệnh, có người không có biểu hiện triệu chứng, có người biểu hiện vàng da, vàng mắt. Dựa theo thời gian, viêm gan siêu vi được chia thành 2 loại là viêm gan siêu vi cấp tính và viêm gan siêu vi mạn tính. Viêm gan siêu vi cấp tính có thời gian mắc bệnh kéo dài không quá 6 tháng, có thể có các triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ, tiểu vàng, vàng mắt, vàng da, đau tức vùng gan, buồn nôn…
Viêm gan siêu vi mạn tính có thời gian mắc bệnh kéo dài trên 6 tháng, ở giai đoạn này bệnh nhân thường không có biểu hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, về sau bệnh nhân có thể bị xơ gan, ung thư gan.
“Viêm gan siêu vi A và siêu vi E không tiến triển thành bệnh viêm gan mạn tính, viêm gan siêu vi B, C và D có thể tiến triển thành bệnh viêm gan mạn tính. Viêm gan siêu vi B đôi khi triệu chứng ồ ạt hơn, còn viêm gan siêu vi C triệu chứng âm thầm và diễn tiến từ từ.
Bệnh viêm gan siêu vi B có vaccine phòng, còn viêm gan siêu vi C không có vaccine phòng nhưng có thể điều trị khỏi tùy thuộc vào tiến triển bệnh và thể trạng người bệnh. Tuy nhiên, người dân khi mắc bệnh viêm gan siêu vi C lần đầu khi được chữa khỏi vẫn có khả năng tái nhiễm lần hai”, bác sĩ Đỗ Thanh Bình lưu ý.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam cứ 100 người mắc viêm gan siêu vi C thì có từ 1 - 5 người tử vong do tiến triển thành xơ gan, ung thư gan. Ghi nhận số liệu khảo sát của Khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang trên những người hiến máu tình nguyện, tỷ lệ mắc bệnh viêm gan siêu vi C là 1%. Tuy nhiên, con số này có thể cao hơn ngoài cộng đồng.
Theo bác sĩ Đỗ Thanh Bình, bệnh viêm gan siêu vi C được xem như là một sát thủ thầm lặng, vì hầu hết người nhiễm không có biểu hiện bên ngoài ở giai đoạn đầu. Đến khi bệnh phát nặng thì chuyển qua biến chứng xơ gan, ung thư gan... Đến giai đoạn này người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị và nguy cơ tử vong cao. Do đó, người dân khi nghi ngờ mắc bệnh nên đến các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Biết mắc bệnh viêm gan siêu vi C gần 2 năm nay nhưng ông M.T.X, ngụ phường Rạch Giá chủ quan không điều trị nên sức khỏe ngày càng suy giảm. “Từ khi phát hiện bệnh tôi vẫn chưa điều trị lần nào vì thấy bệnh chưa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, bản thân cũng thiếu hiểu biết về căn bệnh này. Qua tư vấn của bác sĩ, thời gian tới tôi đi xét nghiệm lại và điều trị để phòng bệnh có biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng”, ông M.T.X nói.
Đối với viêm gan siêu vi cấp tính chủ yếu điều trị triệu chứng như nghỉ ngơi, kiêng rượu, bia, hạn chế ăn chất béo, tránh dùng thuốc gây tổn thương gan như thuốc giảm đau paracetamol, có thể dùng thuốc trợ gan điều trị. Viêm gan siêu vi mạn tính dùng thuốc kháng siêu vi (siêu vi B, C và D).
Hiện bệnh viêm gan siêu vi được dự phòng bằng việc tiêm vaccine: Vaccine phòng viêm gan siêu vi A, tiêm cho trẻ từ 1 tuổi trở lên và người lớn đủ 2 mũi, cách nhau 6 tháng. Vaccine phòng viêm gan siêu vi B, tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi.
Trong lúc mang thai nếu bà mẹ có lượng siêu vi B trong máu cao sẽ được uống thuốc kháng virus từ 3 tháng cuối thai kỳ. Trẻ được tiêm đồng thời vaccine viêm gan B và chất kháng siêu vi B trong vòng 12 giờ sau sinh, sau đó tiêm đầy đủ vaccine viêm gan B cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ngoài ra, các biện pháp phòng bệnh khác như phòng ngừa viêm gan siêu vi A và E bằng cách ăn thức ăn nấu chín, rửa kỹ rau, uống nước đun sôi để nguội, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn; không dùng chung bơm kim tiêm và vật dụng cá nhân như dao cạo râu, cây nặn mụn, kìm cắt móng, kim xăm, bàn chải đánh răng…
Bài và ảnh: MI NI