Xương là một cơ quan luôn trong trạng thái liên tục đổi mới, xương mới sẽ liên tục được tạo ra và xương cũ bị phá vỡ.
Khi còn trẻ, cơ thể tạo ra xương mới nhanh hơn, do đó khối lượng xương sẽ tăng lên. Hầu hết mọi người đạt được khối lượng xương cao nhất vào khoảng năm 20 tuổi. Khi lớn tuổi, khối lượng xương bị mất đi nhanh hơn được tạo ra, từ đó gây nên bệnh loãng xương.
Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.
Căn bệnh này được biết đến là bệnh phổ biến ở người già và phụ nữ mãn kinh. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều người trẻ cũng gặp phải căn bệnh này.
Vậy nguyên nhân nào dẫn tới loãng xương ở người trẻ và làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
1. Dấu hiệu nhận biết loãng xương ở người trẻ
Loãng xương là bệnh lý tiến triển âm thầm, không có biểu hiện rõ rệt. Do vậy bạn nên chú ý đến những cảnh báo sau để thăm khám và nhận chẩn đoán chính xác từ bác sỹ.
- Đau lưng, đau các khớp, mệt mỏi kéo dài.
- Đau nhức xương, cột sống, cổ tay, cổ chân, nhánh xương dài.
- Biến dạng cột sống: Gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao do thân các đốt sống bị gãy.
Trong quá trình sinh hoạt thường nhật, người bệnh có thể bị gãy xương sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương.
2. Nguyên nhân gây loãng xương ở người trẻ
Có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến loãng xương là nguyên nhân nguyên phát và thứ phát. Tuy nhiên, bệnh loãng xương ở người trẻ thường là loãng xương thứ phát.
Một số triệu chứng của tình trạng loãng xương ở người trẻ có thể kể đến như đau nhức kéo dài (nhất là vào ban đêm), suy giảm chiều cao, luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đổ mồ hôi,…
Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng người trẻ tuổi mắc bệnh loãng xương:
Người kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, đặc biệt là còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protein, thiếu canxi hoặc tỷ lệ canxi/phospho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D,... Vì vậy, khối lượng khoáng chất đỉnh của xương ở tuổi trưởng thành thấp. Đây được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh loãng xương.
Người mắc các bệnh lý như bệnh về nội tiết, bệnh thận, bệnh lupus ban đỏ, hội chứng kém hấp thu, thoát vị đĩa đệm, viêm cột sống dính khớp,…
Nếu trong gia đình bạn có người thân từng mắc bệnh loãng xương thì nguy cơ loãng xương của bạn cũng sẽ cao hơn những người khác.
Người có thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, càphê, thuốc lá,… làm tăng thải canxi qua đường thận và giảm hấp thu canxi ở đường tiêu hóa.
Người có nồng độ estrogen thấp. Đây là một loại nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến các thành phần trong xương. Nếu nồng độ estrogen thấp thì mật độ xương có thể giảm và gây ra tình trạng loãng xương.
Nếu bệnh nhân không bổ sung các loại thực phẩm nhiều dưỡng chất, nhất là những thực phẩm chứa nhiều canxi, kali, magie,… xương khớp sẽ không thể có đủ dưỡng chất để phát triển chắc khỏe.
Khi lười vận động, xương khớp và cơ bắp của bạn sẽ không được rèn luyện, khiến cho quá trình phân hủy xương đẩy nhanh tốc độ hơn bình thường. Điều này dẫn đến rối loạn chuyển hóa xương và cuối cùng gây ra tình trạng loãng xương.
Người lạm dụng một số loại thuốc, sử dụng thuốc sai cách cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng loãng xương, nhất là một số loại thuốc như thuốc chống co giật,…
3. Loãng xương ở người trẻ có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng loãng xương ở người trẻ không chỉ ảnh hưởng đến công việc, làm giảm chất lượng sống của người bệnh mà còn gây ra những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm của bệnh:
Biến dạng cột sống
Một số trường hợp bệnh nhân loãng xương có thể bị cong, vẹo cột sống. Bên cạnh đó cũng có những bệnh nhân bị loãng xương đốt sống ngực dẫn tới biến dạng lồng ngực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp.
Gãy xương
Với người mắc bệnh nhân loãng xương, dù chỉ va chạm nhẹ, thậm chí có thể gãy xương ngay cả khi bệnh nhân thực hiện động tác gập người, cúi người. Hậu quả của tình trạng gãy xương là dẫn đến tàn tật và thậm chí là tử vong.
Lún xẹp đốt sống
Những trường hợp gặp phải tình trạng lún xẹp đốt sống có thể phải đối mặt với nguy cơ tàn tật suốt đời. Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh, làm suy giảm chất lượng sống của người bệnh, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
4. Làm thế nào để phòng ngừa loãng xương ở người trẻ?
Loãng xương ở người trẻ đang trong độ tuổi lao động ảnh hưởng lớn đến công việc và sự nghiệp của người bệnh. Do vậy, việc phòng ngừa có vai trò quan trọng và có thể thực hiện nếu được quan tâm hợp lý. Để phòng ngừa tình trạng loãng xương ở người trẻ, bạn cần lưu ý những điều sau.
Về dinh dưỡng
Bạn cần cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe. Cơ thể cần canxi để duy trì xương chắc khỏe và cần vitamin D giúp cho sự hấp thu và chuyển hóa canxi tốt nhất.
Nên bổ sung kali và protein. Kali cải thiện quá trình chuyển hóa canxi. Người lớn cần 4.700 mg mỗi ngày, nhưng hầu hết đều thiếu. Khoáng chất này có nhiều trong trái cây và rau quả, đặc biệt là chuối, khoai tây, nước cam, nước ép cà chua, nho khô, bí đỏ, rau bina,...
Về vận động, lối sống
Thường xuyên vận động ngoài trời cũng là một cách giúp cơ bắp của bạn dẻo dai và xương thêm chắc khỏe. Tập luyện cũng giúp bạn thư giãn, thoải mái hơn rất nhiều. Nên lựa chọn những bài tập phù hợp với thể trạng sức khỏe và cần lưu ý khởi động kỹ trước khi tập để tránh xảy ra chấn thương.
Thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh, hạn chế thói quen uống rượu bia, từ bỏ hút thuốc. Bởi sử dụng quá nhiều rượu bia có thể làm giảm mật độ xương. Trong khi đó, thuốc lá dẫn đến mất xương đáng kể ở phụ nữ và nam giới, thời gian lành vết thương lâu hơn sau khi gãy xương và nguy cơ biến chứng cao hơn.
Bạn không uống thuốc không rõ nguồn gốc hoặc tự ý mua thuốc uống,...
Trong trường hợp có những dấu hiệu mệt mỏi, đau nhức xương khớp, đau bắp tay, chuột rút, đổ mồ hôi,… bạn không nên chủ quan mà cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Những đối tượng có nguy cơ bị loãng xương, đặc biệt là những trường hợp mắc một số bệnh lý mạn tính làm tăng nguy cơ bị bệnh cần đi khám sức khỏe định kỳ, thực hiện đo mật độ xương để theo dõi sức khỏe xương và phát hiện sớm những vấn đề bất thường, từ đó xử trí kịp thời, phòng tránh tối đa nguy cơ biến chứng.