Lời của đá!

27/10/2023 - 05:38

 - Với đôi bàn tay khéo léo, anh Trần Văn Tuấn (30 tuổi, ngụ ấp Bình Phú, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã tạc nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ đá và xi-măng. Hòn non bộ trữ tình, phá cách, hay những con vật do anh khắc họa trở nên sống động hơn, như muốn thổ lộ với người thưởng thức bao điều thú vị.

Đang tỉ mỉ chăm chút tạo hình tượng Phật, anh Tuấn cho biết, đã gắn bó với công việc 10 năm nay. “Làm mặt tượng là khó nhất, bởi đây là “cái hồn” của tượng. Vì thế, người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ từng chi biết để làm sao cho bức tượng hài hòa nhất. Vì thế, nghề này đòi hỏi người làm phải có tính kiên nhẫn, khéo léo và năng khiếu mới có thể trụ được với nghề” - anh Tuấn tâm sự.

Khoảnh sân nhỏ trước nhà được anh Tuấn tận dụng trưng bày những tác phẩm tâm đắc của bản thân. Nào là hươu cao cổ, chó, mèo, hổ, chuột, voi, trâu… và hàng chục hòn non bộ lớn, nhỏ. Nếu nói đó là một vườn thú nghệ thuật thu nhỏ thì cũng không ngoa. Khách hàng ở khắp các địa phương trong tỉnh, có cả khách ngoài tỉnh ở Kiên Giang, Đồng Tháp…

Vừa chỉnh sửa xong một vài tiểu cảnh cho hòn non bộ, anh Tuấn lại quay sang tiếp tục công việc dở dang. Theo anh Tuấn, công việc khắc tượng bằng xi-măng khá vất vả. Để hoàn thành một bức tượng, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn và tốn rất nhiều thời gian.

Trước tiên, tạo hình bằng khung sắt và bọc lưới xung quanh để cân bằng, cố định con vật. Sau khi đắp lớp xi-măng phủ lên bộ khung, người thợ bắt đầu đẽo, gọt, mài giũa, chà nhám, phơi khô và tô màu. Một bức tượng hay con vật đắp xi-măng mất ít nhất khoảng 1 tuần mới hoàn thành.

Ngày nay, tượng con vật bằng xi-măng dần trở nên quen thuộc và phổ biến trong cuộc sống. Dựa vào tay nghề của người tạc tượng mà tạo nên chất lượng sản phẩm.

 “Khách hàng yêu cầu ngày càng cao với những tượng tạc bằng xi-măng, nên mình không ngừng nâng cao tay nghề. Khi mới ra nghề, tôi sẽ phác thảo nét vẽ trước. Giờ đã quá quen với công việc, chỉ cần nhìn sơ, tôi có thể đục, đẽo chính xác vị trí cần tạc cho con vật. Để được như hôm nay, tôi trải qua rất nhiều lần thất bại. Quan trọng là có lòng tin và yêu nghề sẽ vượt qua hết” - anh Tuấn trải lòng.

Ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật do mình tạo ra, anh Tuấn khá suy tư. Theo anh, để có được những sản phẩm này đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ. Một tác phẩm khi hoàn thành, nếu không thể hiện được điều người thợ muốn gửi gắm hay yêu cầu, mong muốn của khách hàng thì coi như thất bại. Vì vậy, người thợ phải không ngừng học hỏi để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, cũng như sự tiến bộ của nghệ thuật tạo hình mà mình theo đuổi. 

Chia sẻ về nghệ thuật làm hòn non bộ, anh Tuấn cho biết không khó cũng không dễ. Quan trọng là cảm nhận và tay nghề của mỗi người thợ. Vì nghệ thuật không có công thức chung ước lượng cho sự đẹp, xấu. Những tác phẩm truyền thống có cái hay riêng, nhưng những tác phẩm phá cách cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người.

“Tựu chung thì, cái hồn phải được chuyển tải thành công vào tác phẩm hòn non bộ thì mới được xem là thành công. Với những hòn non bộ mi-ni, tôi chỉ mất vài ngày là hoàn thành. Còn những hòn non bộ kích thước to, nhiều chi tiết, đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ thì mất khoảng vài tuần mới hoàn chỉnh. Tuy có vất vả, nhưng khi tác phẩm làm ra được khách hàng thích thú đã mang lại niềm vui lớn cho tôi” - anh Tuấn bộc bạch. 

Ngày nay, việc thi công tiểu cảnh non bộ trong sân vườn, nội thất nhà ở đã trở thành thú chơi tao nhã đối với các gia chủ. Điều này mang đến cảnh quan đẹp, tự nhiên, đồng thời còn mang ý nghĩa về mặt phong thủy.

“Tiểu cảnh non bộ ngày nay không đơn giản là sắp xếp, kết hợp hòn non bộ để tạo nên những cảnh quan đẹp. Mà còn đòi hỏi sự khéo léo trong việc "cài cắm” các yếu tố thiên nhiên khác, như: Cây xanh, thác nước, tượng trang trí, hồ cá... để tạo nên một tổng thể tiểu cảnh đẹp, độc đáo và sinh động nhất” - anh Tuấn chia sẻ thêm.

Thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán, lượng khách đặt hàng tiểu cảnh non bộ và tượng các con vật sẽ tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Nhằm trang trí không gian sống, quán cà-phê, công ty… người ta không ngại bỏ tiền để mua trang trí.

Tuy đơn đặt hàng nhiều, nhưng anh Tuấn không tăng giá. Theo đó, với tác phẩm hòn non bộ, giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng tùy vào kích thước, độ khó và yêu cầu của khách hàng. Những tác phẩm đắp hình các con thú hay tượng Phật có giá cao hơn, từ 2 triệu đồng trở lên…

Ngắm nhìn tiểu cảnh hòn non bộ hay những con vật tạo nên từ xi-măng thấy lòng bình yên, ưu phiền như được gác lại, nghĩa là người thợ đã thành công trong việc thổi hồn vào những phiến đá vô tri.

PHƯƠNG LAN