Lời tri ân của hậu bối

21/07/2022 - 07:51

 - “Uống nước nhớ nguồn”,“Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống quý báu tri ân người có công của dân tộc, càng tỏa sáng trong tháng 7 thiêng liêng, thông qua kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Rất nhiều hoạt động được tổ chức, nhắc nhở thế hệ sau một lòng ghi tạc niềm biết ơn với tiền nhân.

Hành động thiết thực

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, quân và dân An Giang đóng góp to lớn sức người, sức của. Mỗi tấc đất quê hương thấm đẫm máu xương, mất mát của thế hệ đi trước, vun đắp nền hòa bình, độc lập và phát triển cho tương lai. Tri ân sâu sắc sự cống hiến, hy sinh đối với liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng, toàn tỉnh thể hiện bằng hàng loạt hành động thiết thực.

Đó là đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân của người có công với cách mạng, đảm bảo mức sống của họ bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; tăng cường vận động thêm nguồn lực từ cá nhân, doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ sửa chữa, cất mới nhà ở cho người có công; trợ cấp đột xuất, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng gặp khó khăn ở địa phương.

Theo UBND tỉnh, toàn tỉnh tăng cường quản lý, chăm sóc, nâng cấp, sửa chữa, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; rà soát và đính chính thông tin đối với 500 mộ liệt sĩ (hiện thiếu thông tin) trong các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn; tiếp tục thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tổ chức trang trọng lễ cải táng hài cốt liệt sĩ được quy tập trong nước và từ nước bạn Campuchia đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (huyện Tịnh Biên)…

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Ảnh: TRUNG HIẾU

Một trong những điểm nhấn lớn của lòng tri ân là tổ chức thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu; khen thưởng, biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu.

Khi đến thăm hỏi các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn huyện Tịnh Biên, thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ: “Là người con của ĐBSCL, hơn 15 năm công tác trên địa bàn tỉnh An Giang, được sự yêu thương, giúp đỡ của nhân dân tỉnh nhà, tôi xem đây là quê hương thứ 2 của mình. Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tôi cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã che chở, đùm bọc, giúp đỡ tận tình đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt những năm kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc; chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, cũng như trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội. Những món quà trao tặng tuy nhỏ, nhưng là tình cảm, sự tri ân, sẻ chia của chúng tôi đối với người có công, thể hiện bản chất và truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; sự thủy chung, sắt son, tình đồng chí, đồng đội đối với người đã hy sinh, cống hiến vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Thắp lửa tri ân

 Nhưng để lòng tri ân thấm sâu vào cuộc sống hiện tại, khi quá khứ đã lùi xa, thì cần thông qua phương tiện truyền thông, bằng nhiều hình thức. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, hoạt động tuyên truyền được đặt lên hàng đầu trong kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ của tỉnh. Đó là tăng cường thông tin tuyên truyền về hoạt động tri ân, “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, nhà nước và nhân dân đối với anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh vì lý tưởng cách mạng đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Cùng với đó, thông tin rộng rãi hoạt động chăm lo, thăm hỏi người có công với cách mạng; những tấm gương thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công tiêu biểu vượt khó làm giàu, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; các tấm gương điển hình, tấm lòng nhân ái, đạo đức nhân văn, các địa phương, đơn vị, tập thể, cá nhân chăm lo, giúp đỡ gia đình người có công và làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu gửi quà tri ân gia đình chính sách tiêu biểu huyện Tịnh Biên. Ảnh: G.K

Truyền thông cũng là kênh thông tin cần thiết, giúp cán bộ hưu trí, gia đình chính sách đồng hành với sự phát triển của tỉnh. “Chúng tôi lớn tuổi, nghỉ hưu nhiều năm, nên thường theo dõi đài, báo để biết tình hình của tỉnh. Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh, ban, ngành, địa phương và nhân dân đồng lòng vượt qua, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi thấy rất phấn khởi vì thành tích này. Về phía mình, chúng tôi cố gắng giữ sức khỏe, thể hiện vai trò, động viên con cháu tiếp tục học tập, cống hiến cho quê hương đất nước” - bà Võ Thị Vân (nguyên Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy) chia sẻ.

Đặc biệt, năm nay, An Giang vinh dự là 1 trong 6 điểm cầu trên cả nước (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam, Hà Giang, Bình Định và An Giang) xuất hiện trong chương trình “Khúc tráng ca hòa bình”. Đây là chương trình được tổ chức theo quy mô cấp quốc gia, được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp vào tối 27/7. Chương trình gồm 3 chương: “Những dấu chân hòa bình”, “Bài ca không quên” và “Khát vọng hòa bình”. Tại điểm cầu tỉnh An Giang, cầu truyền hình sẽ được tổ chức tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành). Hiện nay, tỉnh An Giang tích cực phối hợp ê-kíp cơ bản hoàn tất nội dung và công tác tổ chức, dự kiến mang đến một chương trình đầy cảm xúc và ý nghĩa trong dịp 27/7.

Những lời tri ân sẽ luôn vang mãi, không phải chỉ trong tháng 7, mà dọc theo chiều dài phát triển của đất nước. Khi và chỉ khi còn mang trong tim tình cảm biết ơn, thì thế hệ tiếp nối mới biết quý trọng và nâng niu sự bình yên, độc lập, tự do hiện hữu!

GIA KHÁNH