Lọp cua vào vụ

16/08/2023 - 06:43

 - Khi con nước ngoài sông chuyển sang màu đỏ phù sa, cũng là lúc xóm lọp cua Mỹ Hòa (xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) bước vào thời điểm tất bật nhất trong năm. Từ lâu, nghề “ăn theo lũ” này là nguồn sống cho một bộ phận người dân Mỹ Hòa.

Nghề truyền thống

Nhanh tay cuốn những sợi dây đồng buộc mấy thanh tre để tạo hình chiếc hom lọp cua, anh Trần Văn Trung đã có gần 20 năm theo nghề truyền thống của gia đình. Với anh Trung, làm lọp cua vừa là nghề mưu sinh, cũng là để “giữ nghiệp” cha ông. Ở xóm lọp cua này, mùa nước nổi là lúc người làm nghề lọp cua ăn nên làm ra, do nhu cầu khách hàng tăng.

Trong trí nhớ của anh Trung, nghề lọp cua hiện lên với hình ảnh người già, trẻ nhỏ trong xóm quây quần bên nhau những lúc rộ mùa. Công việc phải được chuẩn bị từ tháng 3 (âm lịch). Người ta mua tre, lồ ô về, tranh thủ ra ghẻ (xả ra thành nan tre nhỏ), thui và đem phơi khô. Sau đó, đến công đoạn bện nan lọp, cuối cùng là “bung” thành chiếc lọp hoàn chỉnh.

Những chiếc lọp trông đơn giản, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo tay. Chỉ việc uốn ghẻ thôi cần người làm tỉ mỉ mới cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. Bởi thế, muốn lành nghề, phải học từ ngày còn nhỏ. Anh Trung là thế hệ thứ ba trong gia đình theo nghề đan lọp.

“Mỗi mùa nước, tôi nhận làm hơn 1.000 lọp cua, giá 60.000 đồng/cái, nên nguồn thu cũng khá. Gia đình có đông lao động, họ có thể nhận hàng nhiều hơn. Khách từ miệt biên giới Long Bình, Khánh An (huyện An Phú) hay tận tỉnh Đồng Tháp tìm đến mua. Nếu bán được 3.000 - 4.000 lọp/mùa, coi như không phải lo cái ăn trong mấy tháng nước nổi” - anh Trung cho hay.

Chiếc lọp cua nuôi sống nhiều thế hệ người dân ở ấp Mỹ Hòa

Trước đây, xóm lọp cua Mỹ Hòa có 63 hộ theo nghề, được công nhận làng nghề vào năm 2009. Trong giai đoạn hoàng kim, chiếc lọp cua Mỹ Hòa được dân câu lưới khắp nơi tìm mua. Mỗi gia đình trong xóm chỉ cần làm lọp cũng đủ trang trải, thậm chí đón cái Tết tươm tất. Do đó, nhiều thanh niên trong xóm gắn bó với nghề của cha ông, ít khi phải bận tâm tìm việc làm nơi khác.

“Giữ lửa” với nghề

Theo thời gian, nghề làm lọp cua rơi vào khó khăn như những nghề truyền thống khác. Vì “ăn theo lũ”, nên chiếc lọp cua bấp bênh theo con nước. Những năm lũ nhỏ, dân đặt cua gặp khó khăn, không mặn mà đi mua lọp mới. Số lượng đơn hàng giảm dần, thanh niên ở xóm lọp cua đi tìm công việc khác. Hiện chỉ còn những người trung niên, phụ nữ đeo đuổi nghề. Khi dịch COVID-19 hoành hành, xóm lọp cua Mỹ Hòa ngừng hoạt động, mặc cho con nước ăm ắp ngoài sông theo vòng quay tạo hóa.

Ông Đinh Văn Đỏ (hộ dân kỳ cựu của xóm lọp cua Mỹ Hòa) chia sẻ: “Giờ trong xóm chưa tới chục nhà theo nghề. Phần vì nguồn tre nguyên liệu hiếm, chi phí tạo ra chiếc lọp tăng nên rất khó bán. Cách đây vài năm, lọp chỉ tầm 35.000 - 40.000 đồng/cái, giờ đã ở mức 60.000 - 65.000 đồng/cái. Với mức giá này, người mua rất ngán, bởi chuyện đi kiếm con cua ngày càng khó khăn. Ngặt cái, đầu vô giá cao, mình không thể làm khác được. Hổm nay, người mua lọp tới lui xóm này thường xuyên, chuyện mua bán dần khởi sắc”.

Ở tuổi ngoài 50, ông Đỏ vẫn cố gắng đeo bám nghề. Đứa con trai được ông truyền nghề từ nhỏ, nhưng lại tìm công việc khác có nguồn thu ổn định hơn. Tuy nhiên, anh vẫn phụ cha vót ghẻ, bện hom để kịp giao cho khách lúc rộ mùa. Ngoài công việc làm lọp cua, ông Đỏ tự mình mang “bổn nghệ” tới những cánh đồng giáp biên ở xứ Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc), Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn), có khi sang tận miệt Tân Hồng, Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) để đặt cua. Do đã quen với chiếc xuồng, cái lọp, con cua, ông không mặn mà chuyển sang công việc khác.

“Sống với nghề này từ lúc còn trai trẻ cho tới bây giờ đã lâm râm tóc bạc, tui phải tiếp tục theo nó. Nếu siêng năng thì cái lọp cua không để mình thiếu thốn. Tháng nước, tôi đi đặt lọp trên đồng, mỗi mùa kiếm gần 20 triệu đồng. Tháng khô, tôi quảy lọp đi đặt gánh, kiếm được 5 - 7kg cua/ngày, mức giá 50.000 đồng/kg thì nguồn thu đỡ lắm. Hiện nay, giá cua đồng được thương lái cân hơn 20.000 đồng/kg, dân đặt lọp tạm yên cái bụng. Vài bữa nữa, tui đem lọp lên mấy cánh đồng giáp biên để mưu sinh cùng con nước” - ông Đỏ cho hay.

Dù cuộc sống có nhiều biến đổi, nhưng chiếc lọp cua vẫn tiếp tục song hành với đời sống của người dân ấp Mỹ Hòa như mấy chục năm qua. Ở đó, vẫn có những con người gắn bó với chiếc lọp cua như nguồn sống và như “cái nghiệp”, để loại ngư cụ này sẽ theo bàn tay cần lao của dân đặt lọp cua tỏa đi khắp đồng bằng châu thổ.

THANH TIẾN