Lớp học đặc biệt vùng biên

16/09/2022 - 07:23

 - Một thời tung hoành ngang dọc, giờ đây họ có những giây phút bình yên, khép lại quá khứ, làm lại cuộc đời bằng từng con chữ. Họ là học sinh trong một lớp học đặc biệt, đầy cảm xúc mà chúng tôi có dịp chứng kiến tại Cơ sở cai nghiện ma túy An Giang (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).

Lớp học không đông, khoảng 15-20 người. Già có, trẻ có, nam nữ đều có. Họ chăm chú lắng nghe cô giáo hướng dẫn cách phát âm từng chữ cái. Cả cuộc đời họ, ký tên chính mình còn quá khó khăn. Hầu như mỗi người đều mang phận đời đau buồn. Hoàn cảnh ngày nhỏ nghèo khó, thiếu thốn, không được cha mẹ đưa đến trường, rồi họ lớn lên, làm thuê và mặc kệ cuộc đời đưa đẩy vào sai lầm.

Một thanh niên lực lưỡng lần hồi giở từng trang sách tiếng Việt lớp 1 bằng đôi tay phủ đầy hình xăm, thể hiện nỗ lực “quay đầu” rất xúc động. Anh nhận diện chữ cái rất khó khăn, đôi tay cứng nhắc điều chỉnh cây viết, nắn nót chữ cái a, b, c. Đến khi cô giáo mời đọc ráp vần “bờ a ba”, “mờ e me nặng mẹ”, “Ba mẹ cho bé đi ca-nô”, đôi mắt anh đỏ hoe, vui mừng. Sau hơn 3 tháng học tập, giờ anh đã biết đọc!

Một cô gái trẻ có gương mặt tươi sáng, ánh mắt long lanh, tự tin phát âm rõ ràng từng tiếng một cho cô giáo nghe, có vẻ là một học trò khá của lớp. Có dịp ngồi trò chuyện với cô, chúng tôi hiểu thêm giá trị của việc học hành, cái giá phải trả khi ít hiểu biết - sự vô định của một cuộc đời. Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Tri Tôn, trong một gia đình dân tộc thiểu số Khmer, hơn 10 tuổi, cô phải phụ cha mẹ kiếm tiền, lo bữa cơm gia đình.

Đến khi lớn hơn, cô chủ động đi làm thuê, phụ việc cho quán ăn. Cảm thấy đời sống chưa được đảm bảo, chưa bằng bạn bằng bè, cô gái trẻ đi TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, trải qua nhiều công việc làm thuê với mức thu nhập gấp mấy lần quê nhà. Có chút tiền rủng rỉnh trong túi, trước lời mời ăn nhậu xuyên đêm, cô gái trẻ không còn khái niệm “từ chối”, dùng chất kích thích để cuộc vui thêm hưng phấn, cuộc đời “hạnh phúc” hơn.

Rồi mọi cuộc vui dừng lại, khi dịch bệnh COVID-19 ập đến. Cô và bạn bè chịu cảnh thất nghiệp. Trở về quê nhà tránh dịch, những cơn thèm thuốc buộc cô đi tìm mua. Công an địa phương phát hiện, đưa cô vào cơ sở để tiến hành cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe. Những ngày tháng tưới nước, trồng rau, tập thể dục thường xuyên, tập viết từng con chữ giúp cô thấy được ý nghĩa, hạnh phúc cuộc đời chỉ từ điều giản đơn, không cần đến cuộc vui vô nghĩa, tự hủy hoại bản thân và làm buồn lòng gia đình. “Khi được trở về nhà, biết chữ rồi, tôi cảm thấy tự tin hơn, tiếp tục tìm việc làm chân chính, tích lũy tiền làm vốn mua bán. Biết tính toán, tôi sẽ không lo chuyện thua thiệt” - cô gái trẻ hồ hởi chia sẻ.

Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy An Giang Nguyễn Ngọc Ngời cho biết: “Mỗi người vào đây là mỗi hoàn cảnh khác nhau. Sau khi tìm hiểu từng người, cho họ trải qua quá trình phục hồi sức khỏe, chúng tôi tổ chức lớp học ngắn hạn bổ túc dạy chữ, dạy nghề làm hồ, đan đát gia công. Rất nhiều người gặp khó khăn trong việc học tập, do khả năng ghi nhớ kém, mang trong lòng nhiều tâm sự, ký ức đau buồn. Do vậy, chúng tôi cử giáo viên “cứng nghề”, vừa hiểu về tâm lý, vừa phải thật kiên nhẫn, mới có thể dạy họ một cách thuần thục. Chúng tôi làm tất cả những điều này, chỉ mong sao họ biết đọc, biết viết, có cơ hội tiếp cận thông tin từ sách, báo chí, hiểu biết điều hay lẽ phải, không quay trở lại con đường lầm lỡ trước đây”.

Bài kiểm tra tập đọc vừa kết thúc, cũng là lúc các học trò hồ hởi gấp lại tập sách, trở về phòng ở. Họ có thể khám phá từng quyển sách nhỏ được cho mượn, có thể đọc chữ trên màn hình karaoke trong giờ giải trí. Nhìn những gương mặt từng lầm đường lạc lối giờ thần sắc tươi tắn hơn, ánh mắt đầy sức sống hơn, chúng tôi càng tin vào nỗ lực làm lại cuộc đời của họ. Mong rằng, từ đây cuộc sống của họ sẽ sang trang mới, với gam màu tươi sáng.

TRÚC PHA