Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về người dân
Quả cảm thời chiến
Mới thành lập, lực lượng ít, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, các đơn vị gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng với ý chí quyết tâm cao, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn và lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương, được sự thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc của Nhân dân, lực lượng pháo binh Quân khu 9 đã anh dũng chiến đấu, ra quân và liên tục giành thắng lợi.
Trận đánh tiêu biểu đầu tiên là hiệp đồng với bộ binh, tiêu diệt Chi khu Biện Nhị ở sông Cái Tàu, Cà Mau. Trận này, các đơn vị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên địch, phá hủy toàn bộ trang bị vũ khí của chúng, làm chủ Chi khu, bắt tên quận trưởng, gây tiếng vang lớn về quân sự, chính trị trong vùng.
Năm 1965, có những thời điểm sơn pháo 75mm rất thiếu đạn; khi pháo kích đồn địch, bộ đội phải bắn từng phát đạn. Có lúc, giữa 2 phát pháo thật, ta dùng ống khí gas đốt gây tiếng nổ để đánh lừa địch. Phương tiện đo đạc của pháo trang bị không đủ, mọi người quyết tâm đưa pháo vào gần, cho trinh sát bò vào tận hàng rào đồn bốt, dùng dây điện kéo lùi ra ngoài để tính cự ly chính xác...
Đầu năm 1969, Đoàn 6 Pháo binh được thành lập, trong bối cảnh chiến trường miền Tây Nam Bộ có nhiều khó khăn phức tạp. Mỹ - ngụy áp dụng chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” hòng đánh phá, ngăn chặn các tuyến giao thông đường thủy huyết mạch của ta. Quân khu chỉ đạo: Pháo binh phải tự chiến đấu, tự bảo vệ để bảo tồn lực lượng, chờ thời cơ mới.
Đặc biệt, một số trận pháo binh độc lập tác chiến đánh tàu địch trên sông rạch, hiệu quả và hiệu suất chiến đấu rất lớn, dù lực lượng không nhiều. Tiểu đoàn 2315 tổ chức ĐKZ75mm phục kích đánh tàu địch trên sông Hậu: Lần thứ nhất đánh đắm tàu 12.000 tấn; rồi đánh đắm 2 tàu 10.000 tấn; cuối cùng đánh đắm 13 tàu PCF ở Gò Quao, Rạch Giá, gây cho địch hoang mang, lo sợ.
Cuối năm 1973, Đoàn 6 được bổ sung 3 tiểu đoàn, gồm: Tiểu đoàn 24 Cao xạ, Tiểu đoàn 22 và Tiểu đoàn 14 Pháo mặt đất. Đầu năm 1974, Quân khu 9 quyết định thành lập thêm Tiểu đoàn 2314. Các đơn vị của Đoàn 6 Pháo binh đã hiệp đồng chiến đấu trên khắp chiến trường miền Tây, như: Cà Mau, Rạch Giá, Cần Thơ, Vĩnh Trà (nay là tỉnh Trà Vinh), góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong 13 năm liên tục chiến đấu, xây dựng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (từ năm 1963 - 1975), đơn vị vừa độc lập chiến đấu vừa hiệp đồng cùng các đơn vị bạn hơn 1.000 trận lớn nhỏ, chi viện kịp thời, chính xác cho bộ binh tiến công tiêu diệt địch, làm chủ chiến trường.
Nghĩa tình thời bình
Sau khi đất nước thống nhất, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Quân khu 9 quyết định nâng cấp, đổi phiên hiệu Đoàn 6 thành Trung đoàn 6 Pháo binh xe kéo, được trang bị chủ yếu là xe, pháo chiến lợi phẩm thu được của địch. Nhiệm vụ của Trung đoàn thời gian này tập trung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tích cực lao động sản xuất, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống bộ đội.
Chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Từ năm 1978 - 1990, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vừa huấn luyện, vừa xây dựng và tham gia chiến dịch phản công trên toàn tuyến biên giới từ An Giang đến Hà Tiên, Kiên Giang. Khi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, trong chiến dịch mùa khô năm 1984 - 1985, Trung đoàn chiến đấu chi viện cho Sư đoàn 4, Sư đoàn 330, Sư đoàn 339 dọc tuyến biên giới Campuchia, Thái Lan. Trong chiến dịch này, Trung đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Bộ Tư lệnh Pháo binh tặng Cờ đơn vị hoàn thành xuất sắc chiến dịch, với dòng chữ “Đánh giỏi, bắn trúng”.
Với những chiến công, thành tích xuất sắc, Lữ đoàn vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 1991, Trung đoàn 6 được Bộ Quốc phòng quyết định, biên chế tổ chức thành Lữ đoàn 6. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao đối với những chiến công, thành tích trong chiến đấu; sự trưởng thành lớn mạnh trong xây dựng đơn vị. Đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của Lữ đoàn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tình hình mới.
Đại tá Lương Văn Tôn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 6 chia sẻ: “Hiện nay, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, Lữ đoàn luôn sẵn sàng nhận và làm tốt công tác phòng chống, khắc phục thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; làm nhiệm vụ đặc biệt khi có tình huống xảy ra.
Anh hùng, liệt sĩ Vũ Xuân (Chính trị viên Tiểu đoàn 2311) anh dũng hy sinh năm 1974 trong trận tập kích đồn Kênh 2 (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang), để lại dòng chữ bất hủ được trích từ nhật ký của mình: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”.
Càng vinh dự, tự hào về truyền thống, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn càng phải trân trọng, học tập noi gương tinh thần, ý chí chiến đấu vì Nhân dân quên mình của các thế hệ cha anh; quyết tâm giữ vững, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng trong giai đoạn cách mạng hiện nay”.
GIA KHÁNH