Phụ huynh và học sinh dự tư vấn lựa chọn tổ hợp môn, cụm chuyên đề học tập trước tuyển sinh lớp 10
Cân nhắc lựa chọn
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự phân hóa cao ở cấp THPT và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Trong 17 môn học và hoạt động, mỗi học sinh phải học 12 môn học trở lên, chia theo 3 nhóm: 8 môn học bắt buộc, 4 môn học lựa chọn.
Môn học bắt buộc và hoạt động mà mỗi học sinh phải học, gồm: Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương. Môn học lựa chọn gồm 4 trong số 9 môn học thuộc các nhóm môn: Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật), Công nghệ (Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật). Trong đó, môn Tin học và Công nghệ có 2 phân môn.
Ngoài ra, theo chương trình còn có 2 môn học tự chọn: Ngoại ngữ 2 (áp dụng tại trường chuyên) hoặc tiếng dân tộc thiểu số (các học sinh ở vùng dân tộc). Học sinh có thể không chọn 2 môn học này.
Chuyên đề học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng cho lớp 10 trong năm học tới gắn liền với các môn học của các em, được xem là phần kiến thức chuyên sâu giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, am hiểu môn học đang theo đuổi.
Theo đó, mỗi học sinh chọn 3 chuyên đề học tập gắn với môn học mà học sinh đã lựa chọn. Các môn có chuyên đề học tập, gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Riêng môn tiếng Anh không có chuyên đề học tập.
Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Duy Khánh, để lựa chọn môn học, nhà trường, giáo viên định hướng các em xét trên nhiều yếu tố, phù hợp với sở trường, sở thích. Đặc biệt, yếu tố năng khiếu của học sinh rất quan trọng và dựa trên sự yêu thích các môn học, kết quả học tập của những môn này ở cấp THCS, nhất là lớp 9. Học sinh và phụ huynh nghiên cứu kỹ các trường có dạy tổ hợp môn như con em mình định hướng hay không. Chẳng hạn với những môn năng khiếu, sẽ có trường tổ chức dạy, có trường không dạy…
Chủ động tư vấn
Việc cho phép học sinh được chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp là một bước tiến của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho các trường “bài toán” khó trong khâu tuyển sinh. Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học đã có bước chuẩn bị để tư vấn cho phụ huynh, học sinh, đồng thời xây dựng phương án phù hợp theo điều kiện tại đơn vị.
Điển hình tại Trường THCS - THPT Phú Tân, dự kiến có 5 phương án lựa chọn tổ hợp môn. Trong đó, 2 phương án thuộc nhóm môn khoa học tự nhiên, 3 phương án thuộc nhóm môn khoa học xã hội. Mỗi phương án gồm 8 môn học bắt buộc lựa chọn, 4 môn học tự chọn, 3 chuyên đề học tập chuyên sâu. Theo đó, đơn vị lần lượt phối hợp với các trường THCS trên địa bàn huyện có học sinh đăng ký tuyển sinh các năm trước để tổ chức tư vấn.
“Bước đầu, học sinh, phụ huynh nắm được các tổ hợp môn để có định hướng đăng ký thi tuyển vào năm học sắp tới. Khi học sinh đã trúng tuyển vào trường, chúng tôi sẽ tiếp tục tư vấn chuyên sâu trong lựa chọn phương án để đăng ký học tập. Các phương án được chúng tôi dựa trên cơ sở vật chất của nhà trường, nguồn nhân lực tại đơn vị và xét tuyển đại học của các trường trong những năm trước để phát huy phẩm chất, năng lực gắn với định hướng nghề nghiệp của các em sau này” - Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phú Tân Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.
Nguyễn Võ Thảo Vy (học sinh Trường THCS Phú Xuân, Phú Tân) bày tỏ, trước đó, em còn phân vân về việc lựa chọn môn học và trường thi vào lớp 10. Sau khi được tư vấn, em xác định rõ hơn, tự tin hơn với tổ hợp 1 và tổ hợp 2, vì phù hợp với thế mạnh và sở thích của em là các môn học Toán, Vật lý, Hóa học…
Không giống như học sinh cuối cấp THPT, khả năng lựa chọn, định hướng của học sinh lớp 9 gắn với những mục đích tương lai còn khá khó khăn. Nhiều phụ huynh dự tư vấn cùng con rất chia sẻ và khẳng định sẽ tham khảo các nguồn ý kiến và luôn ưu tiên quyết định của con em mình.
Một băn khoăn khác của phụ huynh và học sinh là có được chọn lại môn học sau khi đã học xong lớp 10 hay không? Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên Huỳnh Duy Khánh cho biết, các em vẫn được quyền đổi tổ hợp môn sau khi học xong lớp 10. Tuy nhiên, ngành giáo dục không khuyến khích và các trường học cũng rất hạn chế điều này.
Bởi khi đã chọn môn, ngay từ năm học đầu tiên của THPT, các em đã có sự tập trung vào những môn học trọng tâm. Nếu chọn lại, các em phải “khởi động” với lựa chọn mới vất vả hơn những bạn khác, đồng thời mất lượng kiến thức của năm học trước. Do đó, mọi lựa chọn cần phải cân nhắc kỹ, ngoài giáo viên thì phụ huynh cần lắng nghe, tư vấn cùng con để tránh chuyện “suy nghĩ lại” hoặc “chọn lại”.
MỸ HẠNH