Lùm xùm chuyện cho vay tiền

05/10/2022 - 07:03

 - Bên cho vay yêu cầu ông H.T.P trả số nợ và lãi suất, còn người vay nói đã trả 400 triệu đồng trong số 450 triệu đồng cho chủ nợ đã từ trần, số còn lại sẽ lo trả trong thời gian tới.

Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, ông Nguyễn Minh Khải (sinh năm 1957, ngụ ấp Trung 1, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân) cho biết, do cần tiền đáo hạn ở ngân hàng, ông H.T.P (sinh năm 1978, ngụ cùng ấp) đến tận nhà gặp vợ ông để hỏi vay. “Lúc đầu (khoảng năm 2019), tôi hỏi vợ (bà Phạm Thị Bông, sinh năm 1966) khi cho vay có làm hợp đồng giao dịch không?

Bà nói ông P. ở xóm, quen biết nhau đã lâu, vay số tiền không lớn, 2 bên cùng điểm chỉ số nợ của nhau là được, không cần thiết phải công chứng, làm hợp đồng vay. Đối với lãi suất, 2 bên tự thỏa thuận nhau là được rồi. Ban đầu, ông P. vay 20, 50, 60 triệu đồng, sau đó số tiền lên 100-200 triệu đồng. Người vay thanh toán nợ và lãi suất đàng hoàng" - ông Khải trình bày.

Theo lời ông Khải, ngày 3/10/2021, vợ ông bị bệnh chết. Sau đó, cha con ông xem trong cuốn sổ vay, số tiền vay của ông P. tổng cộng 450 triệu đồng, có chữ ký của người vay nhưng chưa thanh toán. “Khi đòi nợ, ông P. cho biết sẽ lo trả từ từ do đang trong dịch bệnh. Đến cuối tháng 3/2022, ông P. trả 20 triệu đồng, hứa hẹn sẽ tiếp tục trả.

Sau đó, khi tôi đến hỏi tiền, lúc đầu ông nói lòng vòng, sau lại nói đã trả gần hết cho vợ tôi, số còn lại sẽ lo trả. Thấy họ cố ý quỵt nợ, cha con tôi thường điện thoại đòi tiền. Biết chuyện, ông P. né tránh, không nghe điện thoại. Khi đến gặp vợ ông P., bà nói không biết chuyện vay mượn của chồng. Gia đình tôi gửi đơn khiếu nại, phản ánh, nhờ pháp luật vào cuộc xem xét, giải quyết” - ông Khải trình bày tiếp.

Ông Nguyễn Minh Khải trình bày sự việc

Trả lời về việc này, ông H.T.P cho biết, do là người quen biết, cần số tiền đáo hạn vay vốn ở ngân hàng, ông được bà Bông cho vay nhiều lần, tự thỏa thuận lãi suất. Lúc đầu, bà tính “6 lai” (6%/tháng), sau có lúc giảm xuống còn “4 lai” (4%/tháng). Về việc vay không làm hợp đồng nhưng người cho vay có lập sổ vay nợ, mỗi lần thanh toán ông đều có ký tên. Đến hạn, ông không thể để lâu do bị bà Bông điện thoại đòi số nợ.

Khoảng tháng 8/2021, ông mang 400 triệu đồng đến nhà trả cho bà Bông, tuy không ai thấy nhưng bà Bông tự tay nhận số tiền. Sau ngày bà Bông bị bệnh COVID-19 qua đời, ông trả thêm 20 triệu đồng cho ông Hoàng Luân (con bà Bông); số tiền 30 triệu còn lại, sẽ lo trả trong thời gian tới. Ông không viện cớ trốn nợ, cũng không tìm cách né tránh như gia đình ông Nguyễn Minh Khải phản ánh.

 Một người biết chuyện (xin giấu tên) cho biết, khi người ở hàng xóm, quen biết cần số tiền xử lý nợ, việc cấp bách, bà Bông cho mượn tiền nhưng thường không lớn. Đối với ông H.T.P do vay tiền nhiều lần, bà Bông có gia giảm lãi suất, 2 người làm ăn với nhau đàng hoàng, không xảy ra sự cố nào. Tuy nhiên, sau ngày bà Bông chết, cha con ông Khải điện thoại đòi số nợ, ông P. nói trả tiền cho bà Bông nhưng không ai thấy và cũng không có người làm chứng. Việc này tuy là khó nhưng vẫn còn sổ sách (sổ ghi nợ, bút tích các lần trả nợ, lãi) của 2 bên.

Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Pháp luật quy định, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Trường hợp ông H.T.P nói đã trả cho bà Bông nhưng không có chứng cứ, ông Nguyễn Minh Khải có quyền khởi kiện vụ việc đến Tòa án nhân dân huyện Phú Tân xem xét, giải quyết theo quy định. Dù 2 bên không có hợp đồng giao dịch tài sản nhưng bút tích có chữ ký của người vay được coi là cơ sở, chứng cứ sự việc. Trường hợp 2 bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật có liên quan quy định khác.

Liên quan việc này, một cán bộ thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân) cho biết, một trong 2 bên chưa có đơn khiếu nại, phản ánh nên không biết rõ sự việc. Qua thông tin truyền thông, địa phương thường khuyến cáo công dân không nên tham gia cho vay nặng lãi, giao dịch dân sự phải tuân theo quy định của pháp luật; đồng thời chỉ ra chế tài của pháp luật đối với vấn đề này.

 

N.R

 

Liên kết hữu ích