Lương cơ bản của lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước có thể đạt 70 triệu đồng

06/06/2019 - 19:59

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thí điểm mức lương cơ bản đối với một số chức danh của các tập đoàn, tổng công ty được quy định thấp nhất 40 triệu đồng và cao nhất 70 triệu đồng, được dựa trên cơ sở tính bằng khoảng 30 - 35% mức lương chức danh tương đương trên thị trường.

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.

Trong đó, Bộ đề xuất thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với 3 Tập đoàn, Tổng công ty gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines); Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) (gọi chung là công ty).

Thời gian thực hiện thí điểm từ năm 2019 đến khi Chính phủ ban hành Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra phương án tiền lương của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, dự thảo đề xuất quy định mức lương cơ bản, tiền lương được hưởng theo chức danh.

Cụ thể: Mức lương cơ bản quy định theo 2 loại doanh nghiệp gắn với quy mô, độ phức tạp quản lý (vốn, doanh thu, đầu mối quản lý, lao động): Về phân 2 loại, dựa trên tiêu chí vốn tại Nghị định 69/2014/NĐ-CP của Chính phủ (tập đoàn 10.000 tỷ đồng, Tổng công ty 1.800 tỷ đồng trở lên), số liệu thống kê thực tế doanh thu, đầu mối quản lý, lao động và xếp hạng hiện hành của các đơn vị (VNPT hạng tập đoàn, Vietnam Airlines và VATM hạng tổng công ty đặc biệt), theo 2 phương án:

Phương án 1: Quy định tiêu chuẩn chung trên cơ sở đó các đơn vị tự xác định loại công ty để tính mức lương cơ bản. Phương án này có ưu điểm là thuận lợi cho việc ban hành tiêu chuẩn chung vào năm 2021.

Phương án 2: Căn cứ tiêu chuẩn dự kiến trên và quy mô hiện hành ấn định loại công ty (theo đó VNPT và Vietnam Airlines loại 1, VATM loại 2). Phương án này có ưu điểm là đơn giản vì chỉ có 3 đơn vị, nhưng khó tổng kết để ban hành tiêu chuẩn chung vào năm 2021 và khó cho việc áp dụng đối với các công ty con thuộc 3 đơn  vị nêu trên.

Mức lương cơ bản được quy định thấp nhất 40 triệu đồng và cao nhất 70 triệu đồng, được dựa trên cơ sở tính bằng khoảng 30 - 35% mức lương chức danh tương đương trên thị trường. Mức tiền lương được hưởng xác định trên cơ sở mức lương cơ bản và tăng thêm không quá 1 lần gắn với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận/vốn.

Đồng thời, để khuyến khích các công ty hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận thì cho phép tính thêm tiền lương của người quản lý như người lao động (thêm tối đa 2 tháng lương/năm), quy định này sẽ bao trùm được mức lương hiện nay nhà nước đã cho thực hiện đối với Vietnam Airlines theo Nghị định 53/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Về tiền thưởng, phúc lợi từ lợi nhuận, dự thảo đề xuất quy định việc trích lập quỹ tiền thưởng, phúc lợi từ lợi nhuận sau thuế không quá 3 tháng tiền lương (trong đó 2 tháng tiền lương, 1 tháng phúc lợi và tách riêng quỹ thưởng cho người lao động, Ban điều hành và Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, kiểm soát viên). Quy định này cơ bản giữ nguyên như hiện hành (chỉ điều chỉnh quỹ thưởng của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị từ 1,5 tháng thành 2 tháng cho bằng với trích quỹ thưởng của người lao động).

Theo AN NHIÊN (An ninh thủ đô)