Tầm nhìn vượt thời gian
Tỉnh An Giang được vua Minh Mạng đặt tên chính thức vào năm 1832, nhưng trước đó, Thống chế khâm sai thượng đạo đại tướng quân Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) đã góp công rất lớn phát triển vùng đất này. Nguyễn Văn Thoại sinh năm Tân Tỵ (1761) tại xóm An Trung, làng An Hải, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Do sinh ra vào thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, tiếp theo là phong trào Tây Sơn nổi dậy, mẹ ông phải dẫn ông và 2 người em chạy nạn vào Nam năm 1775, định cư ở làng Thới Bình trên cù lao Dài, nằm giữa sông Bang Tra và sông Cổ Chiên (nay thuộc địa phận huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).
Nhờ có công thu lại thành Gia Định, Nguyễn Văn Thoại được nhà Nguyễn trọng dụng, giao nhiều trọng trách. Ông từng giữ chức trấn thủ Định Tường (1808), bảo hộ Cao Miên. Năm 1817, khi vừa nhậm chức trấn thủ Vĩnh Thanh (năm 1832, trấn Vĩnh Thanh được chia thành tỉnh An Giang và Vĩnh Long), ông cho lập 5 làng trên cù lao Dài. Đồng thời, sốt sắng lo việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất mới.
Đầu kênh Rạch Giá - Long Xuyên, nơi khởi nguồn kênh Thoại Hà
Một trong những công trình lớn thể hiện tầm nhìn của Thoại Ngọc Hầu là ông cho đào kênh Thoại Hà vào năm 1818, dài hơn 30km, nối rạch Đông Xuyên (TP. Long Xuyên, An Giang ngày nay) với ngọn Giá Khê (TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang ngày nay). Đây là công trình thoát lũ đầu tiên của nhà Nguyễn ở ĐBSCL. Đào xong, được vua Gia Long cho phép lấy tên ông để đặt cho tên núi (Thoại Sơn) và tên kênh (Thoại Hà).
Nguyên nhân Thoại Ngọc Hầu cho đào kênh Thoại Hà là năm 1817, khi về trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, ông thấy việc giao thông thương mại ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, mọi trao đổi hàng hóa thời bấy giờ giữa miền duyên hải Hà Tiên, Rạch Giá đều phải đi vòng đường biển rất bất tiện. Ông nhận thấy, cần phải khơi nguồn để tháo bớt một phần nước lụt của sông Hậu ra biển Rạch Giá. Đây là tư duy vượt thời đại, đến nay vẫn còn ứng dụng.
Công trình kênh Thoại Hà huy động khoảng 1.500 nhân công, nhờ đào theo lạch nước cũ nên công việc khá thuận lợi, một tháng hoàn thành với bề rộng 20 tầm (51,2m), dài 12.410 tầm (hơn 31,7km). Tuy thời gian thi công ngắn, nhưng có ý nghĩa lâu dài. Đến hôm nay, kênh vẫn còn có giá trị lớn về mặt trị thủy, giao thông, thương mại, nông nghiệp. Dòng kênh rộng góp phần làm thay đổi bộ mặt thôn xóm ở 2 bên bờ, góp phần đưa huyện Thoại Sơn trở thành “vựa lúa” và là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh An Giang ngày nay.
Góp công trình giữ yên bờ cõi
Nhắc đến Thoại Ngọc Hầu, ai cũng nghĩ đến kênh Vĩnh Tế - công trình giữ vai trò rất quan trọng về trị thủy, giao thương, thoát lũ, đặc biệt là giá trị quốc phòng, góp phần giữ yên bờ cõi về lâu dài. Với chiều dài hơn 87km, huy động hàng vạn nhân công thực hiện trong 5 năm (1819-1824), kênh Vĩnh Tế được xem là một trong những kênh đào lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ. Kênh được đào song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành (nay thuộc TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Khi đào kênh, phía Chân Lạp (Campuchia ngày nay) cũng thấy được lợi ích của công trình nên nhiệt tình huy động lực lượng tham gia.
Tuy nhiên, để hoàn thành con kênh có giá trị lâu dài cho hậu thế sau này, các bậc tiền nhân đã bỏ biết bao tâm sức. Kênh Vĩnh Tế được khởi công vào tháng chạp năm 1819, nhưng đến tháng 3/1820 (âm lịch) phải tạm dừng vì dịch bệnh hoành hành (giai đoạn 1). Giai đoạn 2 (từ tháng 2/1823 đến tháng 4/1823), Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn Tuyên và Trần Công Lại trực tiếp chỉ huy công trình, huy động hơn 39.000 dân và quân Việt, hơn 16.000 quân và dân Chân Lạp, chia làm 3 phiên hoạt động.
Tháng 4/1823 (âm lịch), vua Minh Mạng cho thôi đào kênh Vĩnh Tế vì “nhơn đến mùa hạ, mà việc đào sông chỉ còn hơn 1.700 trượng”. Giai đoạn 3, kênh tiếp tục được đào từ tháng 2/1824 và hoàn thành vào tháng 5/1824 (âm lịch), do Nguyễn Văn Thoại và Trần Công Lại trực tiếp chỉ huy, sử dụng 25.000 quân và dân phu của 2 nước.
Chuyển đổi theo hệ đo lường ngày nay, kênh Vĩnh Tế có chiều dài hơn 87km, rộng 30m, độ sâu trung bình khoảng 2,55m. Ước tính trong 5 năm, các quan phụ trách đã phải huy động đến hơn 90.000 dân binh, hơn 3,4 triệu ngày công, khối lượng đất đào tay lên hơn 2,8 triệu m3. Kênh đào xong, vua Minh Mạng rất mãn nguyện vì nối được chí cha (vua Gia Long), liền sắc khen thưởng, dựng bia ở núi Sam và ở bờ kênh mới đào để ghi nhớ thành quả to lớn này.
Cùng với hoàn thành công trình kênh Vĩnh Tế, Thoại Ngọc Hầu còn cho lập 5 làng trên bờ kênh (Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông); đắp Tân Lộ Kiều Lương… Ca dao có câu: “Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên/ Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu” để ghi dấu công lao của ông.
|
Kênh Vĩnh Tế được đặt theo tên vợ chánh của Thoại Ngọc Hầu (bà Châu Thị Tế, nhũ danh Vĩnh Tế). Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua cho đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo, hình kênh Vĩnh Tế được chạm khắc trên Cao đỉnh.
|
NGÔ CHUẨN