Lưu giữ mỹ tục ngày Xuân

20/01/2023 - 11:55

 - Tùy theo mỗi vùng, miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau, Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau. Song, với những mỹ tục, phong tục đã ăn sâu trong tiềm thức bao thế hệ người Việt, dù ở đâu trên đất nước Việt Nam, mọi người vẫn luôn giữ gìn và phát huy.

Giá trị của tình thân

“Xuân nay nói người phương xa/ Mẹ cha càng già/ Thôi về, mình vui đón xuân/ Mai về, mình ăn bánh chưng/ Cha với mẹ được thêm trọn phần” - những câu hát “Xuân nay nói người phương xa” như chạm vào trái tim những người con tha phương. Nhiều người cho rằng, ý nghĩa của Tết không nằm ở mâm cao cỗ đầy, mà sự sum vầy ngày Tết mới là điều người người mong đợi, trông chờ. Và, Tết đoàn viên đúng nghĩa là dịp để cả nhà cùng nhau ăn bữa cơm chung, trò chuyện thân tình, chúc nhau mọi sự hanh thông, bình an, hạnh phúc.

Trên khuôn mặt lấm tấm vết nhăn của thời gian, bà Lê Thị Bạch Nhựt (90 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) nhớ như in những cái Tết đã qua. Đón những ngọn gió heo may đầu tiên trước hiên nhà, cụ Bạch Nhựt lau chùi tấm ảnh xum vầy của đại gia đình, nụ cười ẩn hiện trên gương mặt in hằn những nếp nhăn.

Lục lại kỷ niệm, bà Bạch Nhựt từ tốn chuyện trò: “Tôi rất tự hào về con cháu của mình. Hơn 30 năm qua, cứ đến mùng 2 Tết, các con cháu tề tựu về đây, quây quần chúc Tết, mừng tuổi. Gian phòng khách yên tĩnh là vậy, bỗng trở nên ấm cúng, rôm rả tiếng cười vì con cháu xúm xít nói cười không ngơi. Lớn tuổi rồi, niềm vui với tôi đơn giản là được thấy cảnh cháu con hiếu thuận, họp mặt vui vầy bên nhau sau một năm bôn ba, vất vả mưu sinh!”.

“Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần…” - bà Nhựt bộc bạch, năm nào các con mình cũng ngân lên những ca từ của bài hát “Mừng tuổi mẹ” như thế. Bà Bạch Nhựt không khóc nhưng đôi mắt như ngấn lệ, chầm chậm tiếp tục câu chuyện.

“Mỗi năm, thấy con khỏe mạnh, gia đình sung túc là niềm vui lớn nhất. Tôi không quên chuẩn bị những phong bì đỏ, lì xì mấy đứa cháu để lấy lộc đầu năm. Chúc Tết xong, tụi nhỏ dắt nhau về quê thăm mộ ông bà và ba chúng nó. Tiếp nữa là đi chúc Tết bà con dòng họ quê nhà. Đến tận bây giờ, năm nào các con cũng giữ phong tục tốt đẹp này của gia đình!” - bà Nhựt bồi hồi kể.

Tết vốn dĩ quý khi tình thân đong đầy. Chỉ những lúc bên gia đình, chúng ta có thể đón năm mới với mọi tâm thế. Nào là cùng nhau chuẩn bị một bữa cơm, tất bật cả ngày để bếp nấu thơm lừng mùi hương của những món ngon, bánh mứt.

Ngày Tết bắt đầu là khi đất trời tiếp tục một chu trình mới, con người vì thế cũng thêm một lần ở vạch xuất phát. Dù chặng đường đó được khởi đầu ra sao, chỉ cần bên cạnh có sự động viên và thấu hiểu từ gia đình, mọi khó khăn chỉ là thử thách. Vậy nên, từ xa xưa, ông cha luôn đề cao giá trị thiêng liêng từ tình cảm gia đình, một sự ấm áp không thể tìm nơi nào khác.

“Có những cái Tết, tận 28 tháng Chạp, con tôi vẫn chưa về vì còn tất bật mưu sinh. Thỏ thẻ qua điện thoại, nó bảo rằng cố gắng làm thêm mấy ngày cận Tết để kiếm thêm tiền, có chút quà bánh cho anh em, họ hàng. Tôi ân cần đáp, con về ăn Tết khỏe mạnh bên gia đình đã là món quà quý giá nhất rồi!” - bà Nguyễn Thị The (54 tuổi, ngụ xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành) chia sẻ mong ước ngày Tết của mình là sự đoàn viên.

Nét đẹp nơi… chợ Tết!

Khi khắp nơi đều nô nức, hồ hởi chuẩn bị Tết thì có lẽ đi chợ Tết là điều gì đó rất thú vị, khiến mọi lứa tuổi đều hồi hộp chờ đợi, nôn nao mỗi khi nghĩ đến. Đã không ít lần tôi nghe đâu đó: “Chợ Tết ngày nay có còn dư vị Tết?”.

Tìm sự trả lời từ những bậc cao niên, nhiều người vẫn bảo: Không còn dư vị Tết thì sao gọi là chợ Tết nữa! Tự bao đời, đi chợ Tết là một phong tục gắn liền với bao thế hệ người Việt. Chính vì thế, chợ Tết mang một nét đẹp đặc trưng, độc đáo và vô cùng ý nghĩa. Ở chợ Tết, người bán và người mua không tiếc gì khi trao nhau nụ cười, lời chào thân thiện khiến mọi người như xích lại gần nhau.

“Thấy những chậu hoa cúc, hồng, vạn thọ, cát tường… được vận chuyển từ ghe lên bến sông, tôi cũng khấp khởi, xốn xang khó tả. Cái cảm giác nôn nao, mong chờ được đi chợ hoa xuân, chợ Tết hằn sâu trong tôi từ tấm bé đến giờ vẫn chưa phai. Chợ Tết thú vị ở chỗ, không đi thì thôi, mà đã đi thì gặp gì cũng mua.

Từ mớ thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, rồi đến các loại vật dụng trang hoàng nhà cửa, bánh mứt… cả cái Tết cổ truyền gói gọn trong cái chợ Tết tấp nập. Dù là ở phố chợ hay thôn quê, chợ Tết không khác nhau là mấy. Người mua dễ dàng tìm gặp những món đồ “chuyên dụng” cho ngày Tết ở cái chợ ấy. Mấy cô chú ở quê, vườn sau nhà có trái gì cũng mang ra chợ Tết tranh thủ bán, kiếm thêm ít tiền xài Tết” - cô Nguyễn Thị Bạch Nga (50 tuổi, ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) háo hức bày tỏ.

Cũng ở chợ Tết, không thiếu những nam thanh nữ tú trong váy áo xúng xính đang vội vội vàng vàng lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất của mùa xuân trên phố. Ở chợ Tết, thỏa sức cho các thi nhân, thi sĩ, nhiếp ảnh gia thi thố tài nghệ. Cũng ở cái chợ Tết ấy, người ta dễ dàng tìm được chút thư thái, bình yên sau những âu lo, bộn bề của 1 năm vất vả.

“Với chiếc điện thoại thông minh, ai cũng dễ dàng có được những tấm ảnh đẹp để khoe đã “check-in” chợ Tết. Nhưng cũng có không ít bạn trẻ, muốn có được tấm hình nghệ thuật nên tìm đến thợ chụp hình. Năm nào cũng vậy, 1 tháng trước Tết là thời điểm khá bận rộn với những thợ chụp hình. Vì sớm hơn thì chưa có không khí Tết, mà cận quá thì đông người, chen lấn nhiều.

Địa điểm được giới trẻ ưa chuộng nhất vẫn là chợ hoa hay chợ Tết. Bởi, không cần trang trí nhiều, tự thân đã rực rỡ khi những mặt hàng Tết được trưng bày. Không nhiều lắm nhưng mỗi mùa Tết, tôi cũng kiếm thêm một phần thu nhập từ việc chụp ảnh xuân” - chú Thanh Sang (50 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) bày tỏ.

Văn hóa là cội nguồn của dân tộc, những phong tục truyền thống trong dịp Tết đến xuân về không chỉ là văn hóa, mà còn là bản sắc của riêng Việt Nam.  Những giá trị tốt đẹp từ Tết cổ truyền còn góp phần nuôi dưỡng và hình thành nên giá trị nhân cách, đạo đức và thẩm mỹ của người Việt.

Từ đưa ông Táo về trời (ngày 23 tháng Chạp), gói bánh chưng, bánh tét, chưng hoa và mâm ngũ quả ngày Tết đến thăm viếng mộ tổ tiên, cúng giao thừa, xông đất rồi chúc Tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ, đi chợ Tết… Những mỹ tục đó cầu mong sự tốt lành, may mắn, thành công và sức khỏe trong năm mới.

PHƯƠNG LAN