Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tiếp nhận một bé trai 5 tuổi cấp cứu vì khó thở, tím tái, suy hô hấp nặng kèm trụy tim mạch. Siêu âm tim cho thấy các buồng tim giãn, chức năng co bóp cơ tim giảm nặng và phải dùng thuốc vận mạch. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện và phải đặt nội khí quản thở máy.
PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, dù suy hô hấp nhưng môi bé vẫn đỏ, lưỡi đỏ như trái dâu tây kèm phản ứng viêm rất mạnh.
“Tình trạng giống bệnh cảnh viêm đa hệ thống (MIS-C) sau nhiễm Covid-19”, bác sĩ Phạm Văn Quang nhận định.
Bé trai 5 tuổi trụy tim mạch hậu Covid-19 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Khai thác bệnh sử cho thấy, một tháng trước, em và người thân đều bị sốt, ho, tự khỏi sau vài ngày. Gia đình không làm xét nghiệm Covid-19 nên cũng không biết nhiễm bệnh hay không. Sau 24 giờ điều trị bằng thuốc điều hòa miễn dịch và kháng viêm liều cao, tình trạng cải thiện, chứng tỏ các bác sĩ đã nhận định chính xác.
“Kết quả xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 dương tính, xác nhận rằng bé đã từng mắc Covid-19 trước đó. Bệnh nhi mắc hội chứng viêm đa hệ thống hậu Covid”, bác sĩ Quang cho hay.
Đây không phải bệnh nhi đầu tiên bị tổn thương tim mạch sau khi khỏi Covid-19. Tháng 9 vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận một trường hợp 10 tuổi.
Cụ thể, bé trai sốt cao liên tục ở 39-40 độ C trong 7 ngày, sung huyết kết mạc mắt, phản ứng viêm tăng cao. Đáng chú ý, siêu âm tim phát hiện giãn động mạch vành trái. Mặc dù kết quả xét nghiệm PCR virus SARS-CoV-2 của bé âm tính nhưng nồng độ kháng thể lại rất cao. Trước đó 1 tháng, cả gia đình bé bị sốt, ho, mất vị giác nhưng không được xét nghiệm Covid-19.
Lý giải tình trạng tổn thương tim hậu Covid-19, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho biết, đây một trong các hậu quả của hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C. Hội chứng chỉ ghi nhận ở trẻ em sau 2-6 tuần khỏi Covid-19, tập trung ở nhóm từ 6 đến 12 tuổi. Trẻ có thể bị sốt cao từ 3 ngày trở lên và kèm theo tổn thương các cơ quan.
“Hội chứng viêm đa hệ thống ảnh hưởng lên tim mạch do phản ứng viêm mạnh mẽ”, bác sĩ Quang phân tích.
Khi đó, trẻ có thể bị giãn cơ tim, tổn thương mạch vành, tim đập nhanh hoặc nghiêm trọng đến mức trụy tim mạch như bệnh nhi 5 tuổi. Xét nghiệm sẽ nhận thấy các phản ứng viêm rất mạnh, nhưng không có nguyên nhân từ nhiễm trùng. Do đó, nếu người nhà báo cho bác sĩ về tiền sử mắc Covid-19 của trẻ, sẽ hỗ trợ hiệu quả cho chẩn đoán.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, thời gian qua có khoảng 20 trường hợp mắc hội chứng trên, chỉ một số ít biểu hiện ở tim mạch.
Trẻ mắc Covid-19 nặng thường kèm theo bệnh nền.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, bác sĩ CK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Covid-19 cho hay, có trên 10 bệnh nhi mắc hội chứng trên, 10% trong đó là ca nặng, ảnh hưởng đến mạch vành.
“Các ca bệnh trên điều trị thành công, không tử vong hay di chứng. Tuy nhiên, các bé vẫn cần theo dõi một thời gian để xem diễn tiến các tổn thương tim trong quá trình bệnh. Có thể là trong vài tháng”.
Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, hội chứng này hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả, trẻ phục hồi tốt nếu phát hiện kịp thời. Biểu hiện của bệnh khá đa dạng, dễ nhận viết. Điểm chung là trẻ sốt cao từ 3 ngày trở lên không dứt. Cơ thể xuất hiện các phát ban, viêm kết mạc, giác mạc, phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, bàn chân. Vì phản ứng viêm tác động lên nhiều cơ quan khác nhau, nên trẻ có thể có biểu hiện tim đập nhanh, tổn thương mạch vành, đau bụng, ói, tiêu chảy.
“Phụ huynh không nên quá hoang mang vì hội chứng ít gặp. Tuy nhiên, cần phải nhận biết triệu chứng để kịp thời đưa đến bệnh viện, tránh để kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương đa cơ quan như gan, thận, có thể phải lọc máu”, bác sĩ Phạm Văn Quang khuyến cáo.
Theo LINH GIAO (Vietnamnet)