Mai vàng đón Tết

27/12/2019 - 06:40

 - Hiện nay, từ những người trồng mai cho đến khách hàng tìm mua loại cây kiểng này đang bước vào thời điểm tất bật nhất trong năm. Với họ, việc cho ra thị trường vài ba sản phẩm đã là thành công, bởi loại cây biểu tượng cho mùa xuân này hiện có giá trị khá cao trên thị trường, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đã cận kề.

Từ mai vườn…

Dẫn chúng tôi ra góc vườn um tùm bóng cây xanh mát, ông Trần Văn Bình (xã Khánh Hòa, Châu Phú) không khỏi tự hào về số lượng gốc mai mà ông đang sở hữu. Theo trào lưu xã hội, việc bán mai nhánh đã lùi vào dĩ vãng, bởi người ta không còn thói quen trưng bình hoa to tướng giữa nhà như cách vài chục năm, mà chủ yếu sử dụng luôn cả chậu cây với đủ hình dáng để “lưu giữ” mùa xuân lâu hơn trong gian nhà của mình. Do đó, ông Bình và những hộ có đất vườn rộng lớn thường bán nguyên cây cho dân sành chơi với mức giá không hề rẻ.

Tết năm nay, ông Bình dự định bán 5 gốc mai thuộc dạng “khủng” với tuổi đời trên 15 năm. Khi được hỏi về những gốc mai này, ông giới thiệu khá nhiệt tình. Nào là cây mai xù có bề hoành gốc hơn 6 tấc rồi đến cây mai “trục” có chiều cao gần 3m. Những cây mai này được trồng dưới đất, trải qua mưa nắng thời gian mới to lớn và có dáng đẹp như hiện nay. Do cây mai không cho thành quả trong “một sớm một chiều”, nên chẳng ai xem đó là nguồn thu nhập chính. Mặt khác, loại cây thân gỗ này lại mang giá trị nghệ thuật nên chúng được coi là tài sản quý với dân trồng vườn. Ông Bình chia sẻ rằng, những cây mai này nếu bán đi là “tiếc đứt ruột” nhưng do xác định đó là nguồn thu của gia đình nên không thể do dự.

Theo ông Bình, có những gốc mai được dân “đi săn” định giá từ vài triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng tùy theo kích cỡ, hình dáng của cây mai. Mấy năm nay, ông Bình chỉ bán những gốc mai có giá trị vài triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng. Năm nay, ông định bán 5 gốc mai “chủ lực” với giá 400 triệu đồng. Thấy tôi tỏ vẻ hoài nghi, ông Bình giải thích rằng, chỉ giới “chơi” mai mới có thể định giá chính xác, vì họ căn cứ vào nhiều yếu tố bằng con mắt thẩm mỹ đúng nghĩa. Một khi cây mai đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết, họ có thể mua với giá vài chục triệu đồng là chuyện bình thường. Ngược lại, dù gốc mai to đến đâu mà không có dáng đẹp thì chưa hẳn sẽ bán được giá cao.

Ngoài ra, những hộ có mai vườn như ông Bình không phải Tết nào cũng bán được vài gốc để đón Tết sung túc, mà còn tùy thời điểm. Có năm, ông chẳng bán được cây nào. Hiện nay, ông trồng khá nhiều lứa mai để có thể chủ động nguồn cung về lâu dài, bởi nhu cầu xã hội về loại cây kiểng này khá ổn định.

…đến mai bán

Không phải bất cứ cây mai vườn nào cũng lập tức trở thành tác phẩm nghệ thuật được dân trong giới đánh giá cao. Để những cây mai này “lột xác”, đòi hỏi phải có những nghệ nhân chuyên “chơi” mai phát hiện, rồi ra công “tỉa tót”, nuôi dưỡng mới trở nên đẹp và có giá trị cao trên thị trường. Tất nhiên, trình độ “chơi” mai của mỗi người cũng khác nhau nên khả năng đánh giá, phát hiện những gốc mai đẹp cũng rất khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Tấn (ngụ xã Lê Chánh, TX. Tân Châu) có trên 20 năm gắn bó với nghề mua bán, chăm sóc mai kiểng nên khá am hiểu về lĩnh vực này. Ông Tấn cho rằng, đây là công việc rất đặc thù, chỉ những ai thật sự đam mê và có khiếu thẩm mỹ mới gắn bó lâu dài. Theo đó, ông thường dành thời gian đi tìm kiếm, phát hiện những cây mai vườn “có tiềm năng” để mua về chăm sóc. Sau vài ba năm, ông sẽ bán các sản phẩm này cho người có nhu cầu. Mức giá mỗi cây mai từ vài triệu đồng cho đến vài chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng nếu như chúng thỏa mãn được các yêu cầu về tính thẩm mỹ, nghệ thuật, nhất là gặp những cá nhân đam mê, chịu chi tiền cho những sản phẩm mình ưng ý.

Theo ông Tấn, giới chơi mai kiểng ngày xưa có câu “nhất bọng, nhì nu, tam xù, tứ trực” với hàm ý khẳng định đó là 4 dáng mai đẹp, được xem là những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Hiện nay, người ta bổ sung thêm hình dáng của các loài vật như: kỳ lân, con cóc hay thậm chí là dáng lã ngọn, dáng gió lùa… cho những cây mai đẹp. Việc nhìn ra những dáng mai này phải là người có trình độ am hiểu nhất định để khai thác hết giá trị nghệ thuật từ sản phẩm thô tại vườn. Bên cạnh đó, những cây mai này còn trải qua quá trình cắt ngọn, tỉa cành, ghép nhánh để cho bông to, nhiều cánh, màu sắc đẹp và lâu tàn. Có những cây mai ông Tấn phải trữ ở vườn đến 5-7 năm mới bán được, bởi nhu cầu và khả năng tài chính của người mua rất khác nhau.

Xuân Canh Tý này, ông Tấn đã sẵn sàng cho ra thị trường hơn 40 gốc mai đẹp với kích cỡ và mức giá đa dạng phục vụ những ai yêu thích loại hoa này. Dù bị chi phối bởi giá trị kinh tế nhưng ông Tấn vẫn rất đam mê sắc hoa tươi tắn và dáng dấp nghệ thuật của từng chậu mai. Vì vậy, ông cũng mong muốn người mua sẽ được tận hưởng cái đẹp, niềm vui, sự may mắn từ những cây mai do chính bàn tay mình đã bỏ công chăm sóc hàng mấy năm dài.

THANH TIẾN