Dân gian có câu “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của lễ này. Người Việt thường quan niệm Rằm tháng Giêng là ăn Tết lại một lần nữa nên thường chuẩn bị cỗ cúng rất to.
Theo truyền thống, mâm cúng Rằm tháng Giêng 2024 bao gồm: mâm cỗ chay cúng trời Phật và mâm cỗ mặn cúng gia tiên.
Mâm cỗ chay cúng trời Phật gồm: Hoa quả, chè xôi, các món đậu, bánh trôi nước… Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của bánh trôi nước. Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.
Mâm lễ mặn cúng Rằm tháng Giêng không thể thiếu thịt gà, xôi gấc, bánh chưng. Trong đó, gà là vật cúng tế linh thiêng nhất, còn xôi gấc có màu đỏ mang ý nghĩa may mắn. Gia chủ có thể chuẩn bị thêm canh măng, bóng bì, canh miếng, canh mọc, giò chả, nem…
Tùy theo vùng miền, lễ vật và các món ăn trên mâm cúng Rằm tháng Giêng có khác biệt. Nếu như miền Bắc có chân giò hầm măng khô, canh bóng thả, nem rán thì miền Trung thường cúng thịt lợn, giá chua, giò chả. Người miền Nam lại cúng Rằm tháng Giêng với canh khổ qua, thịt kho tàu, chả giò, gỏi tôm thịt…
Ngoài thức ăn, mâm cúng Rằm tháng Giêng không thể thiếu các đồ lễ như: Hương, hoa tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu…
Tuy nhiên, nghệ nhân ẩm thực dân gian Phạm Thị Ánh Tuyết (Hà Nội) lưu ý, việc bày biện mâm cúng ngày Rằm tháng Giêng căn cứ vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và phong tục tập quán vùng miền. Mâm lễ to hay nhỏ không quan trọng bằng sự thành tâm.
“Nhiều gia đình quan niệm mâm cúng Rằm tháng Giêng phải to, nhiều món ăn. Quan niệm này không phù hợp với hoàn cảnh của các gia đình trẻ, ít người.
Vì vậy, Rằm tháng Giêng không nhất thiết phải bày biện mâm cao cỗ đầy. Gia chủ nên tùy tiền biện lễ sao cho phù hợp, tránh lãng phí”, nghệ nhân Ánh Tuyết đưa ra lời khuyên.