Mần cỏ mướn

01/03/2024 - 04:47

 - Hồi đó, khi thuốc bảo vệ thực vật chưa thịnh hành, mấy công ruộng thường có nhiều cỏ dại mọc xen lẫn với lúa. Bởi vậy, nghề mần cỏ mướn rất phổ biến ở quê.

Năm tôi học hết tiểu học, má kêu mấy chị dạy cho tôi cách mần cỏ. Chị tôi chỉ cây cỏ rồi nói, lá cỏ thường có màu xanh lợt hơn lá lúa và cong xuống chớ không thẳng lên; gặp những lá như vậy, cứ nắm lấy và vạch gốc xem lại cho kỹ. Góc cỏ màu trắng, còn gốc lúa màu xanh đậm, đó là dấu hiệu rõ rệt nhất để nhận biết.

Tôi học một chút, đã nhổ được cả nắm cỏ trên tay. Cũng chiều hôm đó, má tôi phán như đinh đóng cột: “Mai thằng Út đi mần cỏ mướn chung với mấy chị!”. Tôi nghe má nói mà lo lắng vô cùng, bởi tôi mới “học nghề” được có 1 buổi.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy từ rất sớm, mặc quần dài, áo dài tay cũ, đội cái nón lá của má ra đồng. Mấy chị tôi thì quấn thêm khăn và đeo bao tay. Chúng tôi chia ra làm ba luống, tôi ở giữa, hai chị kèm hai bên. Sở dĩ làm vậy vì hai chị sợ tôi nhổ sót cỏ, chủ sẽ không trả công. Hai chị vừa làm luống của mình, vừa nhìn qua luống tôi xem sót cây nào thì với qua nhổ cây đó. Tôi cố gắng tập trung nhổ thật kỹ nhưng cỏ vẫn sót nhiều, mấy chị phải hỗ trợ nên cũng nhổ không nhanh được. Đến trưa, chúng tôi chỉ làm được có một khoảng ruộng nhỏ xíu. Bà chủ ruộng đi tới đi lui, miệng lầm bầm gì đó.

Đến xế chiều thì cũng xong công nhật. Tôi ra ngồi trên bờ mẫu, mệt bơ phờ, xương sống nhức mỏi rã rời. Nhưng về tới nhà thì tôi còn khổ tâm hơn, vì bà chủ ruộng đến nặng nhẹ má tôi, cho rằng bà mướn nhân công mần cỏ chớ không phải mướn một đứa con nít hỉ mũi chưa sạch đến giẫm lúa của bà. Tôi nhìn cặp mắt má rưng rưng mà vô cùng chua xót. Tôi tự hứa với lòng phải làm cho thật tốt, không để má phải buồn.

Chẳng lâu sau, tôi đã mần cỏ nhanh và kỹ chẳng thua gì mấy chị. Không những vậy, tôi còn thường xuyên làm xong luống của mình trước, rồi tranh thủ đi ôm mấy bó cỏ mà chị em đã nhổ đem bỏ ngoài bờ kênh. Nhưng công việc đó không phải lúc nào cũng nhàn nhã. Vụ lúa hè thu thường rơi vào đợt mưa bão, chúng tôi phải phơi mình giữa đồng dù trời nắng hay trời mưa, như bị trời đày. Tay chân của chị em tôi tiếp xúc lâu với nước nên phồng lên, rồi chảy nước vàng, nhiều chỗ rướm máu.

Thời may là ở quê tôi có cây tu hú, trị "nước ăn" rất hay. Trái tu hú không ăn được vì có vị rất đắng, nhưng chỉ cần lấy trái chín bẻ đôi ra, thoa vào mấy chỗ bị nước ăn, lát sau sẽ thấy bớt liền. Cứ thế hàng tháng trời, chị em tôi buổi sáng thì đi mần cỏ mướn, tối về hái trái tu hú bôi vào bàn tay, bàn chân cho bớt đau rát.

Tới khi tất cả mảnh ruộng đều trổ đòng đòng, chủ đất mới không mướn chúng tôi nữa. Tiền công của chị em tôi, đương nhiên má dùng hết để đong gạo. Nhiều lúc, bưng chén cơm nóng hổi trên tay, tôi không ăn ngay mà nhìn làn khói mỏng bốc lên, hít nhè nhẹ mùi thơm gạo mới. Lòng nghĩ, những chén cơm ấy được chắt chiu từ mồ hôi nước mắt của chị em tôi.

TRƯƠNG CHÍ HÙNG