Màu cờ đỏ thắm giữa biển xanh - Kỳ cuối: Một lòng hướng biển

02/05/2018 - 11:03

 - Khi tôi thực hiện bài viết này, đoàn công tác đã trở về An Giang, tiếp tục nhịp sinh hoạt, làm việc thường ngày. Thế nhưng, cảm xúc của chúng tôi vẫn còn đó, những vết cháy nắng trên cơ thể vẫn còn in dấu, chưa phai màu, đồng thời nhắc nhở từng người một điều rất quan trọng: Đã “đi”, đã “thấy”, đã “cảm nhận”, nhưng chúng tôi cần phải “làm” để góp sức bảo vệ và xây dựng biển, đảo tươi đẹp. Đất liền lúc nào cũng hướng về biển cả.

Tại buổi tổng kết chuyến đi, Quân chủng Hải quân trao cho chúng tôi các phần thưởng, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp chủ quyền biển, đảo” cùng Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”. Đồng thời, tiếp nhận những ý kiến đóng góp, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước: tiếp tục đổi mới công tác thông tin tuyên truyền khẳng định chủ quyền về tài phán quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nghiên cứu cơ chế chính sách đầu tư đặc thù cho quần đảo Trường Sa; Nhà nước chú trọng đầu tư các công trình trọng điểm về quốc phòng, dân dụng, huy động mọi nguồn lực xã hội các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị để đầu tư cho Trường Sa, DK1; ưu tiên các công trình phòng thủ, nhất là nhà ở cho bộ đội; rà soát điều chỉnh bổ sung các chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) đang sinh sống, làm việc và thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn; Bộ Quốc phòng tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc nâng cao kháng lực quản lý… Những ý kiến đề xuất ấy mang tính đột phá, góp phần nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc một cách thiết thực, hiệu quả.

Tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Nam

Mỗi thành viên trong đoàn An Giang có những ý tưởng, quyết tâm hành động cho đơn vị, địa phương mình. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Anh Kiệt khẳng định: “Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang, chúng tôi xin trân trọng cám ơn lãnh đạo, CB, CS và Nhân dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Chúng tôi sẽ mãi mãi là hậu phương vững chắc của các đồng chí. Với vai trò lãnh đạo tỉnh, chúng tôi phải tiếp tục quán triệt trong cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Nhân dân nhận thức đầy đủ hơn, có trách nhiệm hơn đối với quân và dân trên đảo; tiếp tục ủng hộ nhiều hơn nữa về vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện cho quân và dân trên quần đảo Trường Sa yên tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi sẽ phấn đấu, nỗ lực làm tốt nhiệm vụ chính trị để bồi dưỡng, vun đắp và nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân ngày càng tin tưởng và hoạt động lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương, chính sách đối ngoại về Trường Sa, Hoàng Sa”.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phan Văn Thảo xúc động: “Tôi rất phấn khởi khi được tham gia chuyến đi này, bởi bản thân là “người lính già”, nay được đi thăm những người lính trẻ ở tuyến đầu Tổ quốc. Khi tiếp xúc với họ, tôi thấy tinh thần, trách nhiệm của các đồng chí rất tốt, xác định trách nhiệm đối với đất nước nói chung và biển, đảo nói riêng. Tôi tin rằng, sự đoàn kết đó sẽ giữ vững được biển, đảo nói riêng và thềm lục địa của Việt Nam nói chung. Khi kết thúc chuyến công tác, tôi có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo lại với hơn 13.000 cựu chiến binh và hơn 10.000 cựu quân nhân và bạn bè thân thiết… Khi tiếp xúc đến đâu, tôi sẽ báo cáo lại để hội viên Hội Cựu chiến binh, cựu quân nhân hiểu thêm về tính tự lực, tự cường, trách nhiệm trong bảo vệ biển, đảo. Ngoài ra, nếu có điều kiện, đề nghị tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều chuyến đi, nhất là cho CB lãnh đạo, giúp họ thấy hết những gian khổ của biển, đảo, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình”.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quang Lê Hồng Chuyên trăn trở: “Tôi sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Việc tuyên truyền sâu rộng phù hợp từng đối tượng cụ thể ở từng lĩnh vực: thanh niên địa bàn dân cư, học sinh - sinh viên, thiếu niên, nhi đồng... Từ đó, giáo dục, nâng cao nhận thức cho thanh niên về vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tăng cường tuyên truyền trực quan, hình ảnh, gương các anh hùng liệt sĩ, CS hải quân tiêu biểu, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, sân khấu hóa. Bên cạnh đó, tập trung quán triệt chủ trương, nghị quyết, quan điểm của Đảng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Luật Biển Việt Nam...Đặc biệt, phải giáo dục đoàn viên thanh niên, học sinh - sinh viên nâng cao cảnh giác, nhận thức trước các thế lực thù địch, không để họ bị lợi dụng, lôi kéo, xúi giục, tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự. Phát động các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình hành động thiết thực: “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”, “Tuổi trẻ xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”…Tuổi trẻ nơi đất liền cần phải năng động, sáng tạo, xung kích hơn trong học tập, nghiên cứu khoa học, tích cực lao động, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị để mãi là hậu phương vững chắc”.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG