Nhìn từ xa, đảo chìm Cô Lin trông như một con tàu kiêu hãnh, vững vàng lướt sóng. Khi đến gần, đảo như một ngôi nhà thân quen bên mép nước cùng những người lính hiền hòa, tươi cười chào đón khách. Đảo chìm này năm xưa đã chứng kiến cảnh con tàu HQ-505 cùng toàn bộ đoàn thủy thủ đã anh dũng tăng tốc lao thẳng lên đảo, dựng lá cờ xác định chủ quyền của đất nước.
Như đã thành thông lệ, đi qua vùng biển này, tất cả con tàu của Hải quân Việt Nam đều dừng lại làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Mặt biển dậy sóng, gió như thốc lên từng hồi, trên boong tàu, trong khói hương thoang thoảng, 1 bàn thờ đơn giản với vòng hoa được những người lính cẩn thận chuẩn bị. Tất cả các thành viên đoàn tàu quân trang chỉnh tề, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những người đã khuất. Trong không gian trang nghiêm, vang vọng khúc nhạc “Chiêu hồn tử sĩ”; Các anh hòa vào biển, biển trời bao la sẽ mãi ôm các anh vào lòng, nâng giấc ngủ ngàn thu cho các anh…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Anh Kiệt thắp hương tại buổi tưởng niệm
Chúng tôi còn được biết những tấm gương hy sinh cao cả của CBCS Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần. Cơn bão số 10 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông chiều 4-12-1990, mang theo sức gió giật trên cấp 12, cơn sóng lớn như nuốt lấy nhà giàn. Trong hiểm nguy, các anh đã kiên cường chống chọi với bão tố, đến khi sức người không thắng nổi sự hung tợn của thiên nhiên, 8 CBCS bị cuốn trôi. Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng (Bí thư Chi bộ) trong cận kề giữa sự sống và cái chết, nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người CS yếu nhất, rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu. Năm 1998, cơn bão số 8 khiến Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên bị rung lắc dữ dội. Đại úy Vũ Quang Chương, Trạm trưởng và 8 CBCS kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân. Cuối cùng, đại úy Chương cùng chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng đã không thể trở về, họ gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” về Sở Chỉ huy, rồi mãi mãi nằm lại biển khơi.
Còn rất nhiều tấm gương dũng cảm, bất chấp hiểm nguy, hy sinh thân mình để cứu vớt đồng đội, như: thuyền phó, thượng úy Phạm Tào; thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là; chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Tiến Cường; CS Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền... Máu xương các anh đã hòa quyện với từng con sóng thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi tấm gương trở thành viên gạch hồng xây nên tượng đài bất khuất, viết tiếp những câu chuyện của các anh hùng thuở xưa. Các anh gác lại đời tư, cuộc sống bình yên để đến nơi đây canh giấc ngủ cho Nhân dân. Chắc chắn, không ai nghĩ rằng mình ngã xuống để được vinh danh trên tượng đồng, bia đá. Nhưng chắn chắn, ai cũng khát khao rằng, sự hy sinh của mình được đền đáp bằng bình an cho Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình, nhưng Hải quân Nhân dân Việt Nam chưa một ngày ngơi nghỉ. Thật nhói lòng khi nghe CS hy sinh trong thời bình. Điều đó nhắc nhở từng người rằng, sự hy sinh vẫn hiện hữu từng ngày, từng giờ, khắc sâu giá trị của “hòa bình”. “Sự dâng hiến của các anh đã góp phần làm nên giá trị thiêng liêng của non sông đất nước, tinh hoa của dân tộc. Trong không gian tĩnh lặng, mỗi chúng tôi không thể cầm lòng. Mong sao các anh linh của các liệt sĩ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc, quân đội; cho chúng ta nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vươn tới những thành công mới” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nghẹn ngào khi đọc diễn văn tại khu vực nhà giàn.
Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Quí Hân trầm giọng: “Lần đầu tiên đặt chân đến với quần đảo Trường Sa, tôi có cảm giác bồi hồi của những người con từ quê hương đất liền. Các CS Trường Sa đã anh dũng, hiên ngang hy sinh để quyết bảo vệ, giữ gìn bờ cõi biên cương trên vùng biển quê hương xa xôi. Máu và thân xác các anh đã để lại, để ngày nay chúng ta có một Trường Sa rạng rỡ. Không quên những công lao ấy, là người con đất Việt, chúng ta vẫn luôn giữ trong mình dòng máu hào hùng của cha anh, tiếp tục giữ gìn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
(Còn tiếp)
NGUYỄN HƯNG
Kỳ 4: Hơi ấm đất liền