Mẫu điện thoại "cục gạch" dùng mạng 4G ra mắt

02/11/2021 - 17:44

Những chiếc điện thoại cơ bản, thường được gọi là "cục gạch" sẽ sớm trở thành vô dụng và người dùng cần chuyển đổi sang sử dụng thiết bị di động áp dụng công nghệ 4G.

Tại sao phải chuyển đổi từ 2G lên 4G?

Hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời những công nghệ di động gồm: GSM (mạng 2G) triển khai từ năm 1990; IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009; LTE-A (4G) triển khai từ năm 2016 và 5G với tốc độ kết nối nhanh hơn với 3 nhà mạng đã được cấp phép, triển khai thử nghiệm từ năm 2020.

Theo các nhà khoa học cũng như kinh nghiệm các nước trên thế giới, việc loại bỏ dần mạng di động thế hệ 2 giúp giải phóng không gian phổ tần số vô tuyến cho các tiêu chuẩn mới, cụ thể là giúp mạng 4G chạy nhanh hơn.

Mẫu điện thoại 'cục gạch' dùng mạng 4G ra mắt

Mẫu điện thoại "cục gạch" 4G Masstel Fami 60

Các kết nối di động chính là các sóng vô tuyến. Các nhà cung cấp mạng chỉ có một phổ tần số vô tuyến nhất định nên nếu họ sử dụng một băng tần trong phổ tần số để duy trì mạng 2G, họ sẽ không còn chỗ cho mạng 4G.

Vì thế, nếu ngắt 2G, các nhà mạng có thể phân bổ lại băng tần cho các mạng lưới mới hơn, nhanh hơn. Việc dừng công nghệ di động mặt đất 2G cũng giúp các nhà mạng tăng hiệu quả kinh tế trong vận hành mạng lưới của doanh nghiệp bởi công nghệ càng cũ thì càng tiêu tốn nhiều năng lượng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất phương án dừng công nghệ di động mặt đất cũ (2G, 3G) sớm nhất từ năm 2022 để tiến tới xã hội số.

Như vậy, theo lộ trình thế những chiếc điện thoại cũ sẽ mất chức năng nghe gọi do các nhà mạng đã ngừng hỗ trợ công nghệ cũ để giải phóng nguồn tài nguyên.

Hiện nay, những chiếc điện thoại smartphone 4G màn hình lớn, cảm ứng đa điểm nhanh mượt đang là thời thượng. Tuy nhiên, điện thoại bàn phím vẫn có những ưu thế riêng như tính riêng tư, tối giản, nhẹ nhàng, dễ sử dụng, thời lượng pin lâu... Vì thế những chiếc điện thoại bàn phím này vẫn có nhu cầu lớn trên thị trường.

Điện thoại "cục gạch" 4G

Dòng điện thoại bàn phím (cục gạch) với mức giá bình dân vẫn khá phổ biến với hàng triệu người dùng trên cả nước. Để đáp ứng nhu cầu này, mẫu sản phẩm Feature Phone 4G vừa được Masstel cho ra mắt.

Điểm khác biệt trong các dòng điện thoại bàn phím 4G Masstel đó là tính Việt hóa cao phù hợp cho người lớn tuổi, người làm trong những môi trường đặc biệt, người thích các chức năng đặc biệt.

Mẫu điện thoại 'cục gạch' dùng mạng 4G ra mắt

Mẫu điện thoại "cục gạch" 4G Masstel Izi 12

Máy được thiết kế hiện đại, nhẹ nhàng, nhỏ gọn, các góc đều được bo cong dễ cầm, màu sắc trẻ trung. Bàn phím điện thoại dễ thao tác, 2 sim 2 sóng, pin sử dụng lâu trong nhiều giờ liền. Màn hình màu, chữ rõ ràng; chất lượng âm thanh to; bấm số đọc giọng nói rất thuận tiện cho người dùng đặc biệt là người lớn tuổi trong thao tác gọi điện và nhắn tin.

Masstel dự kiến cũng sẽ phát triển nhiều tính năng mới cho dòng điện thoại này như nhạc online, dự báo thời tiết, tìm kiếm bài hát theo giọng nói, thông báo bằng giọng nói, video hài hước, gợi ý nhạc thông minh, đề xuất video theo sở thích xem, đọc tin tức ra âm thanh,...

Masstel Feature Phone 4G bao gồm 2 dòng sản phẩm: Masstel Izi series – dòng điện thoại tiện ích cho tất cả mọi người và Masstel Fami series – dòng điện thoại tối ưu cho người lớn tuổi.

Các mẫu điện thoại "cục gạch" nhưng dùng mạng 4G này đều có mức giá bình dân, từ 500 nghìn đến dưới 1 triệu đồng.

Theo BÌNH AN (Vietnamnet)