Màu xanh trên chốt biên giới

10/03/2021 - 04:35

 - Gần 400 ngày kể từ thời điểm các tổ, chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được bố trí dọc theo tuyến biên giới, ngăn chặn “giặc bệnh” xâm nhập vào đất nước. Xác định “trường kỳ kháng chiến” nên các tổ, chốt này nhiều lần được gia cố, xây dựng ngày càng kiên cố, vững chãi hơn. Thậm chí, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) còn triển khai “tăng gia sản xuất”, trồng rau, nuôi gia cầm ngay tại chốt. Những mầm sống vui mắt ấy khiến không gian thêm sinh động, thú vị.

Khi mùa nước nổi qua đi, đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp lại hiện ra màu mỡ. Chốt phòng, chống dịch bệnh số 6 (Đồn Biên phòng Nhơn Hội, An Phú, An Giang) có một khu tăng gia sản xuất hẳn hoi, tận dụng khu đất trống xung quanh. Kế bên giàn mướp trĩu nặng trái là liếp rau xanh (cải, mồng tơi), xa hơn tí là “vườn rau gia vị” (quế, ngò rí, ngò gai, ớt). Đàn gà hơn 20 con lớn nhỏ chiêm chiếp suốt ngày. Chiếc kệ gỗ phía ngoài đặt cả chục bình hành lá. Đó là những chiếc bình nước 5 lít đã qua sử dụng, tái chế thành vật dụng trồng hành. Hành lá tươi non mọc ra từ các ô trống được khoét sẵn. Ba ngày chúng mới cần tưới nước 1 lần, sau 1 tuần đến 10 ngày đã có thể ăn được.

Tất cả đều do trung úy Từ Đức Tới (chốt trưởng) nghĩ ra ý tưởng và thực hiện. Việc tăng gia này cải thiện bữa ăn hàng ngày cho lực lượng trực chiến trên chốt, nhằm đảm bảo sức khỏe, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao - thực có túc thì binh mới cường.

Nhưng với trung úy Tới, đó còn là thú vui rất “lính”, giúp anh vơi nỗi nhớ nhà. “Cả năm trời gắn bó tại các chốt, CBCS rất ít dịp được về thăm nhà. Nhưng chúng tôi luôn xác định, bản thân phải nêu gương, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ trên tuyến đầu biên giới. Ngoài giờ cao điểm thực hiện nhiệm vụ tuần tra canh gác địa bàn quản lý, việc tăng gia sản xuất sẽ giúp chúng tôi thư giãn tâm trí, khi chứng kiến thành quả mình tạo ra” - anh Tới chia sẻ.

Cán bộ, chiến sĩ chốt chăm sóc vườn rau 

Tương tự, chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 số 7 Đồn Biên phòng Nhơn Hội cũng nằm giữa những khoảnh xanh của rau màu. Chiều chiều, khi đã rỗi việc, CBCS tổ, chốt mỗi người một tay: tưới rau, chăn nuôi gà vịt, làm cỏ, hái nông sản vào nấu ăn… Chốt nằm cạnh rạch Xẻo Tre (ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội) nên có nguồn nước nhiều hơn các tổ, chốt khác. Tầm 4 giờ sáng, nước rạch lên cao, CBCS thức dậy, mở máy bơm nước lên thùng chứa, lóng phèn để dành sử dụng tắm giặt, tưới rau.

Trung úy Bùi Văn Bình (chốt trưởng) kể: “Tăng gia sản xuất ở chốt không gặp vấn đề gì khó khăn. Đa số CBCS ở chốt xuất phát từ nông dân, đều có kinh nghiệm nuôi trồng. Cộng với thổ nhưỡng tốt, sau khi gieo giống xong, chúng tôi chỉ cần tưới nước đều đặn. Có khó chăng là phải cân nhắc xem nên trồng gì, nuôi gì phù hợp thời tiết địa phương từng thời điểm”.

Hiện giờ, “tài sản” của chốt là 30 con gà lớn nhỏ, từ việc nuôi gà đẻ trứng, ấp nở thành con. Xa xa là đám vịt được thả xuống rạch. Chẳng cần tốn công chăm sóc, chúng tự tìm thức ăn. Ngoài ra, còn là những giàn bầu cho trái to ôm 2 tay mới hết… Thế nhưng, mọi người còn dự tính “mở rộng” thêm khu tăng gia, với nhiều loại nông sản phong phú hơn.

Theo đại úy Phạm Văn Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hội, phần lớn chốt chống dịch nằm trên đường biên giới, đồng ruộng, đường mòn dân sinh, rất xa chợ hoặc đồn biên phòng. Mọi sinh hoạt của CBCS đều khó khăn, vất vả, không tiện đi chợ mua thức ăn tươi ngon mỗi ngày. Vì vậy, phương án tăng gia sản xuất ngay tại chỗ phát huy hiệu quả rất cao. Những thực phẩm sử dụng thường xuyên, hàng ngày như rau gia vị đã được trồng, không cần phải mua. Họ tận dụng khoảnh đất trống bên cạnh để trồng rau, tranh thủ thả vịt xuống nguồn nước phía trước.

Nước tràn đồng, rau được đưa vào thùng xốp, đặt trên cao. Nước rút đi, rau lại được trồng nâng niu trở lại. Họ cắm một giàn cây thô sơ, vậy mà mướp, bầu mọc leo tươi tốt, trái nặng oằn ăn không hết. “Nông sản tự trồng” đôi lúc ăn không hết, CBCS hái tặng cho bà con đi ruộng trong khu vực. Tình cảm quân - dân thắm thiết hơn, dù món quà chẳng giá trị cao, nhưng người cho, người nhận đều vui.

Màu xanh của chốt biên giới thú vị như thế đấy. Chẳng có khó khăn nào có thể làm chùn bước chân của người lính. “Giặc COVID-19” cũng vậy. Mùa nắng nóng đổ lửa qua đi, mùa mưa dầm kéo đến, rồi mùa nắng nóng khác đang quay trở lại. Vượt lên trên vất vả, người lính ở biên giới tự cải thiện môi trường công tác, sinh hoạt của mình, tự tìm niềm vui tinh thần cho mình, để thêm động lực công tác, chờ đợi ngày hết dịch bệnh gần nhất.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH