Theo đó, ba yếu tố cơ bản giúp quản lý một cách hiệu quả bệnh tiểu đường thai kỳ, bao gồm theo dõi mức đường máu, chế độ dinh dưỡng lành mạnh và hoạt động thể lực.
Quản lý lượng đường trong máu như thế nào?
Các chuyên gia y tế cho rằng, nếu bệnh tiểu đường thai kỳ không được theo dõi và quản lý tốt bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như trẻ sinh thừa cân, sẩy thai, sinh non hoặc thai lưu. Trẻ thừa cân có thể tăng nguy cơ chấn thương lúc sinh, khi mổ lấy thai, sinh bằng forceps, tăng nhu cầu săn sóc đặc biệt cho trẻ sau sinh. Bên cạnh đó, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ sẽ bị tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai. Do đó, việc chăm sóc hiệu quả bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ các biến chứng trong quá trình mang thai và sự ra đời của trẻ.
Theo bác sĩ Lê Minh Quang, bệnh viện Quốc tế City, phụ nữ khi mắc bệnh tiểu đường ở thai kỳ điều quan trọng là cần theo dõi mức đường máu thường xuyên để đảm bảo mức đường máu luôn nằm trong mục tiêu điều trị.
Phụ nữ khi mắc bệnh tiểu đường ở thai kỳ điều quan trọng là cần theo dõi mức đường máu thường xuyên để đảm bảo mức đường máu luôn nằm trong mục tiêu điều trị. Ảnh: Minh Tâm
Với những tiến bộ trong y khoa ngày nay, bệnh nhân có thể theo dõi đường máu một cách liên tục với các thiết bị theo dõi đường máu nhỏ gọn dán lên da, được gọi là hệ thống theo dõi đường máu liên tục. Bác sĩ Lê Minh Quang cho biết, hiện bệnh viện Quốc tế City cũng đã ứng dụng hệ thống theo dõi đường máu liên tục. Theo đó, hệ thống này sẽ được kết nối không dây với điện thoại của bệnh nhân và có thể chia sẻ cho bác sĩ chăm sóc để theo dõi trực tiếp và liên tục mức đường trong máu của bệnh nhân 288 lần mỗi ngày mà không cần phải trích máu đầu ngón tay như các máy đo đường máu phổ thông.
Ăn uống đúng cách khi bị tiểu đường thai kỳ
Ăn uống đúng cách là một phần quan trọng trong việc quản lý bệnh tiểu đường thai kỳ. Một kế hoạch ăn uống lành mạnh sẽ giúp kiểm soát mức đường trong máu trong khoảng mục tiêu điều trị, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho các thai phụ và sự phát triển của trẻ, đạt được trọng lượng thích hợp trong thời gian mang thai của bạn.
Theo đó, phụ nữ bị bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ được khuyến khích ăn một lượng nhỏ một cách thường xuyên và duy trì mức cân nặng khỏe mạnh. Thêm một số thực phẩm chứa carbohydrate trong mỗi bữa ăn chính và bữa ăn phụ ví dụ gạo lức, gạo mầm, bánh mì nguyên hạt, khoai tây, một số loại đậu.
Lựa chọn thực phẩm đa dạng và hấp dẫn giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong thời gian mang thai như các loại thực phẩm giàu canxi như sữa và pho mát; sắt có trong thịt đỏ, thịt gà và cá; axit folic có trong các loại rau sậm màu nấu chín sơ. Ưu tiên dùng những loại chất béo chưa bão hòa như dầu olive, bơ và các loại hạt. Hạn chế ăn thịt mỡ, da và các thức ăn chế biến sẵn, ưu tiên uống sữa giảm béo. Ngoài ra, thai phụ cũng có thể ăn thoải mái những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng không gây tăng cân quá mức và tăng đường quá mức như dâu tây, chanh dây và tất cả các loại rau củ, ngoại trừ khoai tây, khoai lang, ngô, các loại đậu. Nên ăn nhiều rau, ít nhất hai lần mỗi ngày. Thức uống tốt nhất dành cho thai phụ là nước đun sôi để nguội, nước lọc đóng chai hoặc nước khoáng. Nên tránh các nước ngọt, nước có ga, nước có chứa caffein.
Duy trì vận động khi bị tiểu đường thai kỳ
Hoạt động thể chất giúp làm giảm sức đề kháng insulin. Do đó, khi bị bệnh tiểu đường thai kỳ, thai phụ cũng nên hoạt động với cường độ trung bình nhằm duy trì mức đường trong máu ổn định. Cường độ hoạt động trung bình có nghĩa là mức hoạt động đủ làm tăng nhẹ hơi thở và nhịp tim ghi nhận được. Nếu không có bệnh lý sản khoa hoặc nội khoa nào đặc biệt, thai phụ cũng có thể tập thể dục một cách an toàn khi mang thai. Bác sĩ Lê Minh Quang khuyến cáo, khi bắt đầu bất kỳ chế độ tập thể dục trong thai kỳ, các thai phụ nên thảo luận với bác sĩ sản khoa hay nữ hộ sinh.
Theo ĐAN PHƯƠNG (Báo Tin Tức)