Thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 10/11, hãng dược phẩm Merck của Đức cam kết đảm bảo phân phối công bằng và đồng thời thuốc molnupiravir điều trị COVID-19 cho các nước giàu cũng như nước nghèo, theo đó sẽ tránh những bất cập như trong cung ứng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP (Pháp), ông Paul Schaper, Giám đốc điều hành chính sách công toàn cầu của Merck, cho biết công ty này đã bắt đầu xúc tiến chiến lược phân phối thuốc kể từ tháng 7/2020, nhiều tháng trước khi kết quả kiểm nghiệm hiệu quả của thuốc molnupiravir được công bố vào tháng 10/2021.
Loại thuốc này do Merck đồng phát triển với hãng dược phẩm Ridgeback Biotherapeutics của Mỹ.
Ông Schaper nhấn mạnh Merck đã bắt đầu phát triển chuỗi cung ứng từ rất sớm. Dự kiến, hãng sẽ sản xuất được khoảng 10 triệu liệu trình thuốc molnupiravir vào cuối năm nay và ít nhất là gấp đôi con số đó vào năm 2022. Việc định giá thuốc sẽ phụ thuộc vào một cơ chế phân cấp dựa trên khả năng thanh toán của từng quốc gia khi có dữ liệu do Ngân hàng Thế giới phân định.
Ngoài nguồn cung của hãng, Merck cũng đã thực hiện các giao dịch với 8 đối tác đã được công nhận đủ điều kiện tại Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Merck còn ký một thỏa thuận cấp phép tự chủ với Tổ chức Bằng sáng chế thuốc Medicines Patent Pool (MPP) do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn cung thuốc molnupiravir tại 105 quốc gia.
Quỹ Bill và Melinda Gates tháng trước đã công bố khoản đầu tư lên tới 120 triệu USD nhằm tăng tốc độ tiếp cận của các quốc gia có thu nhập thấp hơn thông qua một thỏa thuận đảm bảo cung ứng các thành phần để sản xuất thuốc.
Ông Schaper tiết lộ thêm rằng trong quý 1 và 2/2022, Merck sẽ "xuất xưởng" một lượng đáng kể các mặt hàng dược phẩm dành cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Ông nhấn mạnh các quốc gia đang có cơ hội thực sự thuận lợi để có thể tiếp cận công bằng hơn với thuốc molnupiravir.
Việc phân phối thuốc có thể được tiến hành đồng thời cho các nước có thu nhập thấp, thu nhập trung bình cũng như những quốc gia có thu nhập cao.
Điều này được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế trong hoạt động phân phối vaccine ngừa COVID-19 được triển khai từ tháng 12/2020 đến nay, trong đó các quốc gia có thu nhập cao tích trữ nhiều vaccine.
Mặc dù đến nay 51% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, nhưng tỷ lệ được tiêm tại các quốc gia thu nhập thấp chỉ khoảng 4% và tại châu Phi chỉ đạt 3%.
Theo ông Schaper, dù vaccine vẫn là "nền tảng" trong công cuộc ứng phó với đại dịch COVID-19, nhưng vẫn cần thuốc điều trị và yếu tố này thậm chí còn đóng vai trò quan trọng hơn nữa ở những khu vực có tỷ lệ tiêm phòng thấp hơn.
Molnupiravir là loại thuốc kháng virus được bào chế dưới dạng viên. Trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng, thuốc có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong.
Tuần qua, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép có điều kiện cho việc sử dụng loại thuốc này để điều trị COVID-19.
Gần đây, hãng Pfizer cũng đã công bố kết quả đầy hứa hẹn đối với thuốc paxlovid điều trị COVID-19 dạng viên uống.
Hãng này dự kiến sẽ sản xuất 180.000 liệu trình thuốc trong năm nay và ít nhất 50 triệu liệu trình vào năm 2022.
Pfizer đã bắt đầu đàm phán với tổ chức Medicines Patent Pool về vấn đề này.
Theo MINH TÂM (TTXVN)