Miễn, hỗ trợ học phí là chính sách mang tính đột phá, nhân văn

24/05/2025 - 14:12

Thảo luận Dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, chính sách miễn, hỗ trợ học phí rất nhân văn, mang tính đột phá.

 Bảo đảm công bằng tiếp cận giáo dục

Theo Đại biểu Lý Thị Lan, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, chính sách miễn, hỗ trợ học phí được thực hiện từ năm học 2025 - 2026, là một quyết sách mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, học sinh, bất kể vùng miền hay điều kiện kinh tế.

Chú thích ảnh

Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan (Hà Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. 

Điểm mới được đánh giá cao là việc mở rộng diện thụ hưởng, bao gồm toàn bộ trẻ mầm non từ 3 đến dưới 5 tuổi, học sinh THPT công lập, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, và cả người học tại các cơ sở ngoài công lập. Đại biểu đề xuất cần xem xét mức hỗ trợ học phí cho khối ngoài công lập cần bằng mức hỗ trợ đối với học sinh công lập, thể hiện tư duy công bằng và khuyến khích xã hội hóa giáo dục.

Từ thực tiễn của địa phương, đại biểu Lý Thị Lan nêu vấn đề, mặc dù Luật Ngân sách Nhà nước quy định các địa phương phải bố trí tối thiểu 20% chi ngân sách cho giáo dục, nhưng với các tỉnh như Hà Giang, ngân sách phụ thuộc chủ yếu vào Trung ương, phần lớn chỉ đủ cho chi thường xuyên, lương và phụ cấp. Nếu không có sự hỗ trợ về nguồn lực từ Trung ương, sẽ khó để các địa phương triển khai hiệu quả chính sách, đặc biệt là các nội dung về phổ cập giáo dục mầm non và thực hiện miễn, hỗ trợ học phí.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể về cơ chế bố trí ngân sách cho địa phương chưa cân đối được thu chi, thực hiện thống nhất chính sách ngay từ đầu năm học 2025 - 2026. Đại biểu Lý Thị Lan cũng đề xuất cần có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng và đào tạo giáo viên mầm non tại các huyện vùng cao, như cho phép tuyển học sinh tốt nghiệp THPT tại địa phương, sau đó đào tạo nâng chuẩn. Mô hình đào tạo “cô giáo mầm non cắm bản” là con em đồng bào dân tộc, từng rất hiệu quả ở vùng cao, cũng cần được nghiên cứu khôi phục, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ học sinh nội trú và bán trú, đại biểu phản ánh, hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ về chính sách, cùng một trường, một địa bàn nhưng học sinh được thụ hưởng chính sách khác nhau. Do đó, cần xây dựng chính sách mang tính tổng thể, không phân biệt dân tộc hay khoảng cách địa lý, nhằm đảm bảo công bằng cho mọi học sinh trên cùng một địa bàn.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất bổ sung chính sách “sữa học đường” cho học sinh mầm non và tiểu học tại vùng cao, biên giới nhằm cải thiện thể chất, phòng chống suy dinh dưỡng, thấp còi, một trong những vấn đề còn phổ biến ở địa phương.

Kỳ vọng một nền giáo dục công bằng, nhân văn

Bày tỏ sự đồng tình và phấn khởi trước chủ trương miễn học phí cho học sinh phổ thông và phổ cập giáo dục mầm non, đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An) nhấn mạnh: “Lâu nay, chúng ta vẫn mơ ước đến một ngày, người dân đi học không phải đóng học phí, đi viện không phải lo viện phí. Đó là mục tiêu nhân văn, cao cả của chế độ xã hội chủ nghĩa, nơi quyền được hưởng dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế được bảo đảm bình đẳng cho mọi người dân”.

Chú thích ảnh

Đại biểu Quốc hội Trần Đức Thuận (Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Theo đại biểu, những bước tiến trong chính sách miễn học phí hôm nay là minh chứng cho nỗ lực bền bỉ suốt hơn 40 năm đổi mới, và là thành quả của quyết tâm chính trị rất lớn. “Đây là chính sách xứng đáng được ghi nhận và đánh giá cao”, đại biểu Trần Đức Thuận nhấn mạnh.

Về hỗ trợ học phí ngoài công lập, đại biểu cho rằng cần bảo đảm công bằng giữa học sinh trường công và trường tư. Hệ thống giáo dục ngoài công lập hiện rất đa dạng; có những trường học phí cao phục vụ người có điều kiện, nhưng cũng có nhiều trường đón học sinh khó khăn, không đủ điều kiện vào trường công lập. “Theo tôi, nên quy định mức hỗ trợ tối thiểu bằng mức học phí của trường công lập. Như vậy mới bảo đảm quyền học tập bình đẳng”, đại biểu đề xuất.

Việc để HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ là đúng tinh thần phân cấp, song đại biểu cho rằng nên có định hướng chung về mức hỗ trợ tối thiểu bằng với công lập để tránh tình trạng tỉnh giàu hỗ trợ nhiều tỉnh nghèo hỗ trợ ít, gây chênh lệch giữa các vùng miền.

Về kinh phí thực hiện, đại biểu cho rằng Chính phủ đã chuẩn bị, rà soát nguồn lực và đánh giá kỹ tác động. Tuy nhiên, đại biểu Trần Đức Thuận lưu ý: Đây phải là chính sách dài hạn, không nên thực hiện vài năm rồi cắt bỏ vì lý do khó khăn ngân sách. “Nếu đã xác định đây là chính sách nhân văn, mang tính chiến lược, cần có quyết tâm thực hiện lâu dài”, đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan đến mở rộng đối tượng thụ hưởng, ngoài miễn học phí, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thêm các chính sách hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, như: sách vở, đồ dùng học tập, bữa ăn bán trú… để thực sự bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Về phạm vi phổ cập giáo dục mầm non, đại biểu đề nghị làm rõ trong nghị quyết: “Là từ 3 - 5 tuổi, hay từ 3 - 6 tuổi hay chỉ ghi là “giáo dục mầm non”?. Theo đại biểu, cách quy định cần nhất quán với Luật Giáo dục và phù hợp thực tiễn triển khai.

Đại biểu Trần Đức Thuận cũng đề nghị nghị quyết cần tính đến điều kiện cụ thể từng địa phương, không nên áp dụng một lộ trình chung cho tất cả các tỉnh, thành. Những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn còn khó khăn, cần có cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội của từng vùng để chính sách đạt hiệu quả và công bằng thực chất.

Theo Báo Tin Tức và Dân Tộc