Hỗ trợ mua máy cuộn rơm từ chương trình hợp tác An Giang - Pitea
Hiệu quả hợp tác
Nếu như tại TP. Hà Nội, người dân luôn than phiền vì tình trạng đốt rơm sau thu hoạch lúa, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cả sân bay Nội Bài thì tại An Giang, phần nhiều lượng rơm được cuộn lại, làm thức ăn cho bò hoặc ủ nấm rơm, tủ rơm trồng rau, màu… Ngoài những nông dân, doanh nghiệp tự đầu tư máy cuộn rơm thì phong trào thu gom rơm trên đồng phát triển mạnh tại An Giang một phần nhờ vào sự hỗ trợ của chương trình hợp tác giữa An Giang và TP. Pitea. Điển hình như tại huyện Châu Phú, có 20 hộ nông dân được hỗ trợ tập huấn mô hình ủ rơm trong khuôn khổ chương trình hợp tác. “Rơm sau khi cuộn mang về, cứ bình quân 10kg rơm khô thì sử dụng 0,4kg urê hòa vào 10 lít nước rồi tưới lên, ủ 7-10 ngày là có thể cho bò ăn. Với lượng rơm nhiều, mình có thể ủ từ 3-6 tháng, khi đó rơm có màu vàng đậm, mềm, có mùi thơm dễ chịu, giúp bò dễ ăn và tiêu hóa tốt. Từ khi cho bò ăn rơm ủ, gia đình tôi đỡ vất vả đi cắt cỏ tươi mà bò lại lớn nhanh”-ông Nguyễn Duy Nhất (nông dân xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) chia sẻ.
Tại huyện Châu Thành, khi được hỗ trợ đầu tư máy cuộn rơm theo chương trình hợp tác An Giang - Pitea, các hộ nông dân tham gia dự án đã tự cuốn được từ 70 - 80 cuộn rơm/máy/giờ (18 - 20kg/cuộn), năng suất cao gấp 30 lần so với cuộn rơm thủ công. Từ lượng rơm này, nhiều hộ đã đầu tư nuôi bò, lấy rơm ủ làm thức ăn bổ sung để tiết kiệm chi phí. Còn tại huyện Thoại Sơn, các hộ được hỗ trợ vốn, kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng nấm rơm ngoài trời.
Theo bà Phạm Ngọc Xuân, Giám đốc Ban Quản lý dự án An Giang - Thụy Điển, chưa tính những giá trị kinh tế của rơm như: làm thức ăn gia súc, trồng nấm rơm, phủ đất rẫy… chỉ riêng công việc thu gom rơm đã mang về thu nhập cho chủ máy 1 triệu đồng/ngày, nông dân bán rơm trên mặt ruộng được 500.000 đồng/ha. Trong khi đó, nếu đốt rơm trên đồng, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí những giá trị từ rơm.
Hỗ trợ khởi nghiệp
Pitea là 1 thành phố lớn nằm trên vịnh Bothnia (Thụy Điển), cách vòng Bắc Cực chỉ 100km về phía Nam. Dù ở vùng lạnh giá nhưng Pitea đã tập trung phát triển được mảng năng lượng, đồng thời cung cấp cơ hội phát triển bền vững cho người dân và các doanh nghiệp. Trong đó, Công viên khoa học Pitea là đơn vị nổi tiếng trong mối quan hệ hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp, địa phương khắp thế giới.
Từ năm 2012, TP. Pitea đã triển khai chương trình hợp tác với An Giang. Giai đoạn 2012-2014, dự án “An Giang và Pitea - Cộng đồng bền vững” đã thu được những kết quả đáng kể. Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức và sự tham gia của người dân địa phương vào chương trình biến chất thải thành năng lượng và thành lập cụm mạng lưới liên quan đến chương trình này. Thông qua dự án, các chuyên gia đã thực hiện điều tra để phân tích, xây dựng cơ sở dữ liệu GIS, đánh giá nhu cầu cần thực hiện liên quan đến chất thải từ trấu, nhu cầu sản xuất điện, tiềm năng ứng dụng của năng lượng sinh học từ trấu... Giai đoạn 2015-2017, tiếp tục hợp tác triển khai dự án “Kế hoạch hành động để tận dụng chất thải cây lúa” với mục tiêu đưa An Giang trở thành 1 cộng đồng sản xuất lúa xanh và nền sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo cuộc sống người dân ngày được nâng cao. Từ hiệu quả các mô hình tận dụng phụ phẩm rơm rạ, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt kế hoạch hành động quản lý và sử dụng sinh khối cây lúa đến năm 2030.
Qua thành công của 2 dự án trên, An Giang và Pitea đang tiếp tục triển khai dự án “Thực hiện kế hoạch hành động vì một tỉnh An Giang phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2020. Mục tiêu của dự án là phát triển tỉnh An Giang thành 1 cộng đồng nông nghiệp sản xuất lúa gạo bền vững, dựa trên việc nâng cao nền dân chủ cơ sở và chất lượng cuộc sống, xây dựng thành mô hình mẫu cho các tỉnh khác về phát triển xanh. Dự án hỗ trợ thiết lập cụm mạng lưới giữa Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Công viên khoa học Pitea, Trung tâm Năng lực Grans và các tổ chức liên quan về sử dụng, quản lý sinh khối từ cây lúa, năng lượng tái tạo, tăng chuỗi giá trị nông sản và các sản phẩm nông nghiệp xanh. Trong khuôn khổ chương trình, từ ngày 20 đến 26-10-2019, đoàn công tác TP. Pitea đã đến làm việc với An Giang để thiết lập mạng lưới giữa doanh nhân 2 địa phương, tập huấn xây dựng năng lực về tinh thần làm chủ, khởi nghiệp và thương mại hóa sản phẩm cho doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp của An Giang. Đồng thời, thảo luận dự án mở rộng nhằm tăng cường hợp tác, phát huy thêm hiệu quả trong tương lai.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN