Ghé thăm cơ sở sản xuất bánh ong Hồng Lục của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1964, trú xóm 8, xã Diễn Thái) những ngày hè, ngay từ đầu ngõ, mùi thơm của củi lửa quyện với hương nếp, gừng toả ra ngào ngạt.
Nhanh tay đóng gói mẻ bánh mới ra lò, bà Hồng kể, từ khi còn bé, bà đã thấy món bánh ong này xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết của gia đình. Giữa các món rau, thịt, cá, bánh ong được xem như món ngọt để dâng ông bà, tổ tiên thưởng thức.
Nguyên liệu làm bánh ong là những nông sản thông dụng như bột nếp, mật mía, gừng, lạc, dừa khô... Cách làm loại bánh này cũng không đòi hỏi cầu kỳ.
Hạt lúa nếp luộc chín, phơi khô và sau đó mới bóc tách.Ảnh: QH
Bột nếp, một trong những nguyên liệu làm bánh ong.Ảnh: QH
Lúa nếp mang hấp chín, phơi khô rồi xay thành bột thật mịn. Lạc chọn hạt mẩy, rang vàng rồi tách vỏ lụa. Vừng trắng rang vàng, gừng tươi cạo vỏ, giã nhỏ.
Để làm nên món bánh ong, mật mía, lạc đã rang chín sẽ được nấu sôi lên rồi cho bột nếp đã nghiền mịn vào. Quá trình cho bột vào nồi đang sôi, người làm bánh phải liên tục đảo đều tay để mật, lạc và bột được hòa quyện vào với nhau.
Việc quấy bột này diễn ra khá lâu và mỏi nên thường do đàn ông trai tráng đảm nhiệm.
Khi tất cả đã tạo thành hỗn hợp đặc sệt, quyện chặt vào nhau thì bắc xuống cho ra mâm, để sẵn hạt vừng trắng đã rang vàng. Để bánh dậy mùi, người làm bánh thường cho thêm gừng tươi giã nát hoặc dừa bào sợi.
Bánh ong cắt từng khuôn và lăn đều để hạt vừng bám vào bên ngoài. Ảnh: QH
Những lát bánh ong được cắt đều ra đĩa để mọi người thưởng thức cùng cốc nước chè xanh. Ảnh: TT
“Có thể nói nước gừng tươi cùng với mùi thơm bùi của lạc và bột gạo nếp rang đã làm nên hương vị độc đáo của bánh ong. Nhìn lát bánh ong vuông vắn có nhân lạc trắng ngà trông đã ngon mắt. Khi đưa bánh vào miệng, ta có cảm giác thơm bùi của tinh bột nếp, của lạc và cái vị cay nồng nàn của gừng.
Loại bánh này không có chất bảo quản nên chỉ sử dụng trong 5 - 7 ngày sau khi ra lò. Thực khách hoàn toàn an tâm sử dụng sản phẩm”, bà Hồng cho biết.
Những chiếc bánh được sản xuất hoàn toàn thủ công. Ảnh: TT
Những lát bánh ong ăn một lần là nhớ. Ảnh: QH
Là chủ một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất trong vùng, bà Hồng cho biết, 3 năm trở lại đây, món bánh ong được sản xuất quanh năm, cao điểm nhất là vào dịp Tết Nguyên đán và từ tháng 4 - tháng 8.
Bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ quy trình làm bánh ong truyền thống của gia đình. Ảnh: QH
“Mỗi năm cơ sở của gia đình sản xuất 6 -7 tấn bánh ong, giá cả dao động từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hơn hẳn so với làm nông nghiệp. Người dân quê tôi quan niệm món bánh ong là thức quà mang tới sự ngọt ngào, nồng ấm”, chủ cơ sở sản xuất bánh ong Hồng Lựu cho hay.
Bà Đinh Thị Trang - Phó chủ tịch UBND xã Diễn Thái cho biết, toàn xã hiện có 23 hộ sản xuất bánh ong. Năm ngoái, sản lượng của địa phương đạt trên 20 tấn.
“Với tâm niệm làm ra những chiếc bánh thơm ngon, đảm bảo chất lượng, mang hương vị quê hương, các cơ sở sản xuất đều tuyển chọn kỹ nguyên liệu, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm nay, bánh ong Diễn Thái tham gia chương trình sản phẩm OCOP, quyết tâm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Nhờ đó mà sản phẩm của chúng tôi được nhiều khách hàng biết đến, tin tưởng nên việc tiêu thụ trở nên thuận lợi” - bà Trang chia sẻ.
Theo Vietnamnet