Một năm nỗ lực của báo chí

06/01/2022 - 05:27

 - Gánh chịu ảnh hưởng chung của dịch bệnh COVID-19, hoạt động báo chí gặp khó đủ thứ, từ nguồn thu, việc phát hành đến quá trình tác nghiệp của phóng viên… Tuy nhiên, báo chí vẫn nỗ lực sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, thể hiện rõ trách nhiệm nghề nghiệp.

Dấn thân, xung kích

Năm 2021, các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu, đặc biệt là tuyến tin, bài tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển, đảo; công tác phòng, chống dịch COVID-19... Nhiều thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thống nhất và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 xuất hiện, những người làm báo một lần nữa chứng minh sự chủ động, tích cực, trở thành một trong những tuyến đầu quan trọng trong mặt trận phòng, chống dịch COVID-19. Để có thông tin, hình ảnh chân thực về tình hình dịch bệnh COVID-19, người làm báo trực tiếp đi vào “tâm dịch”, đến khu cách ly, bệnh viện dã chiến, vùng dịch đang hoành hành. Mỗi tác phẩm báo chí thông tin về dịch bệnh COVID-19 không chỉ góp phần thay đổi nhận thức, giúp công chúng hiểu biết về phòng, chống dịch bệnh, mà còn lan tỏa hành động sẻ chia.

Nhà báo Gia Phúc (Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang) chia sẻ: “Khi vào “tâm dịch” tác nghiệp, ai cũng bảo nhau nhớ giữ khoảng cách để đảm bảo an toàn. Chúng tôi tự hào vì đã ghi lại được hình ảnh quý giá từ “tâm dịch” một cách chân thực gửi đến khán giả. Luôn ý thức được vấn đề an toàn, các phóng viên mặc đồ bảo hộ, mang theo nước sát khuẩn mỗi lần đi tác nghiệp. Nhờ thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của Bộ Y tế, nên dù có thời gian dài tác nghiệp tại những “điểm nóng”, tôi và nhiều phóng viên khác vẫn an toàn. Tuy nhiên, cũng có đồng nghiệp đã bị lây nhiễm. Dù thế, chúng tôi chưa bao giờ nản chí”.

Những người làm báo không ngại khó, luôn xung kích, dấn thân để mang lại những tác phẩm báo chí có chất lượng

Phóng viên Vân Anh (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh TP. Châu Đốc chia sẻ: “Dù gia đình nhiều lần ngăn cản nhưng với tình yêu nghề, tôi luôn xác định tâm thế dấn thân, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu để cho ra đời tác phẩm báo chí thời sự nhất. Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, chúng tôi tác nghiệp cùng với lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 địa phương. Trong những giây phút khó khăn, có nguy cơ bị nhiễm bất kỳ lúc nào, nhưng tôi không bao giờ chùn bước. Được theo cán bộ, chiến sĩ vào “tâm dịch”, khu cách ly, phong tỏa, tôi càng hiểu rõ hơn sự vất vả, khó khăn của tuyến đầu. Những hình ảnh đó đã giúp tôi có nhiều ý tưởng và thực hiện tác phẩm. Trải nghiệm sâu sắc ấy khiến tôi cảm thấy mình có duyên với nghề báo và càng trân trọng nghề nghiệp đáng quý này”.

Thích ứng linh hoạt

Dịch bệnh COVID-19 là “phép thử” để những người làm báo thay đổi cách thức làm việc. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cơ quan yêu cầu cán bộ, phóng viên, nhân viên trực luân phiên, khuyến khích làm việc tại nhà. Đội ngũ làm báo vẫn phải bảo đảm tiến độ công việc và học cách làm việc trực tuyến (online). Qua đó cho thấy sự thích ứng linh hoạt, đổi mới của báo chí, với mong muốn mang lại thông tin mới nhất, sớm nhất, kịp thời nhất để phục vụ bạn đọc, bạn xem, nghe đài. Các tác phẩm báo chí phản ánh kịp thời và đậm nét nỗ lực của Đảng, nhà nước và nhân dân trong thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó đòi hỏi sự có mặt trực tiếp của nhà báo, tinh thần dấn thân, quả cảm, trách nhiệm.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh An Giang Tân Văn Ngữ, trong đại dịch COVID-19, báo chí An Giang cùng với cả nước đã mang đến những thông tin nóng hổi, kịp thời, chính xác tới người dân về công tác phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, cũng như tuyên truyền biện pháp phòng dịch hiệu quả. Các nhà báo đã thể hiện sự linh hoạt, thích nghi nhanh chóng trong tác nghiệp, tinh thần dấn thân, trách nhiệm và vai trò với xã hội.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, thời gian qua, hoạt động báo chí của nước ta đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với truyền thống vẻ vang, đội ngũ người làm báo cách mạng nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. “Trong khó khăn, thử thách, đội ngũ những người làm báo cả nước càng thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”- ông Lê Quốc Minh khẳng định.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu, năm 2022, công tác báo chí cần tập trung thực hiện tốt một số việc, như: Nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo thông tin tuyên truyền, tập trung tuyên truyền đậm nét việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Báo chí phải tham gia một cách chủ động, tích cực, coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, mở chuyên mục, chuyên trang... tạo sự đồng thuận và nhất trí cao, sự lan tỏa mạnh mẽ. Qua đó, khơi dậy quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

THU THẢO