Mùa ăn ốc núi

16/06/2024 - 10:15

 - Mùa mưa đến đã đánh thức những đặc sản “ngủ yên” dưới tán rừng mênh mông của núi Cấm (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) và ốc núi là một trong số đó. Cùng với cua núi, ốc núi đang được những người mê ẩm thực tìm kiếm để cảm nhận vị thơm ngon đặc trưng, kết tinh thổ nhưỡng của núi rừng.

Ốc núi, đặc sản của Thiên Cấm Sơn hùng vĩ

Với những người từng sống nhiều năm trên núi Cấm, ốc núi là loài vật vô cùng quen thuộc. Đã có một thời, ốc núi là món ăn chơi. Khi đám trẻ nhỏ rỗi việc ra vườn giở từng hốc đá, thân cây, tìm kiếm trong khóm chuối là thấy rất nhiều ốc núi.

Nói về hình dạng, ốc núi khác hẳn với nhóm họ hàng ở đồng bằng. Chúng có thân màu trắng, hơi dẹp, vỏ sọc đen hoặc màu trắng sữa. Mùa nắng, ốc núi rúc mình dưới tán lá cây, trong hốc đá. Mưa xuống, chúng bò ra đón sự tươi mát của đất trời và kiếm ăn. Khi đó, dân trên núi Cấm biết mình đã bước vào mùa ăn ốc núi.

Để bắt ốc núi, người ta chỉ cần chiếc đèn pin và 1 cái xô. Khi màn đêm buông xuống, người ta sẽ ra vườn lật tìm dưới lớp lá cây khô, quan sát trong hốc đá hay đường ô nước để tìm ốc núi. Những con ốc núc ních sau mấy tháng nằm im dưới đất đang bò chầm chậm đi kiếm ăn, bị những đôi tay thoăn thoắt chụp lấy cho vào xô. Có đêm ốc đi ăn nhiều, người ta có thể bắt 2 - 3kg là chuyện thường. Hiện nay, số lượng loài vật này đã giảm nên muốn ăn, khách phải đặt trước vài ngày mới có đủ để giao.

Anh Trần Văn Bình (người chuyên bắt ốc núi) cho hay: “Ốc núi chủ yếu ăn cây cỏ, cây thuốc trên núi Cấm nên hương vị rất thơm ngon, người ta cũng truyền miệng nhau ăn chúng sẽ nên thuốc. Do đó, từ chỗ là món ăn dân dã, ốc núi trở thành đặc sản được nhiều người săn đón. Mức giá hiện nay là hơn 300.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ nguồn cung. Do năm nay mưa trễ, ốc chỉ xuất hiện lác đác đầu mùa nên việc đi tìm bắt khó khăn hơn”.

Theo anh Bình, với người sành ăn, ốc núi mang về không nên chế biến ngay mà cần trữ lại ít hôm. Do loài vật này sống lẫn với đất, cát nên quá trình trữ lại sẽ giúp chúng nhả bớt các tạp chất. Sau đó, họ ngâm ốc núi với nước cơm vo pha ớt để loại bỏ thêm tạp chất một lần nữa, sau đó đem chế biến. Ốc núi có thể chế biến nhiều món, nhưng ngon nhất là luộc sả, luộc cơm mẻ, luộc lá chúc, xào tỏi, xào sa tế… bởi ốc giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên.

Là người chuyên gom ốc núi để cung cấp cho khách, anh Lê Gia Giang (ngụ xã An Hảo) thông tin: “Lượng ốc hiện nay chưa có nhiều nên tôi phải tích cực chạy gom mới đủ giao cho khách. Để đảm bảo ốc không bị sụt thịt, người ta hay hái ngãi núi cho chúng ăn. Nhờ đó, những con ốc núi khi tới tay khách hàng vẫn sẽ mập mạp, tươi ngon. Thời điểm này, tôi chỉ giao mấy mối quen, chưa có nhiều để cung cấp cho khách phương xa”.

Anh Giang cũng chia sẻ, nếu là anh em thân hữu thì dân trên núi Cấm vẫn có thể bỏ công một buổi đi bắt vài chục con, để có món đặc sản núi rừng cho bạn nếm thử. Ốc núi có mùi như ốc gạo đồng, thịt dai, béo và qua bàn tay chế biến của đầu bếp miền sơn cước sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn, đọng mãi trong trí nhớ của thực khách phương xa.

“Ngày trước, ốc núi nhiều vô kể nên chẳng mấy ai bận tâm. Chủ yếu những ngày mưa, người ta ra vườn bắt một mớ để tăng cường khẩu vị cho bữa ăn, hoặc nhấm nháp chén rượu gạo cho ấm nồng trong những ngày mưa. Khi dân núi Cấm giao kết bạn bè dưới xuôi, họ mang ốc núi ra thiết đãi và được khách ưa thích.

Dần dần, ốc núi trở thành đặc sản nên người ta tìm bắt nhiều, khiến chúng giảm dần số lượng. Với người hay đi bắt ốc núi, họ sẽ không bắt con nhỏ mà đợi đến mùa khai thác năm sau. Đây cũng là cách giữ gìn nguồn sản vật tự nhiên, giúp du khách có cơ hội thưởng thức đặc sản chốn non cao về sau này” - anh Giang cho biết.  

Anh Giang cũng bật mí, không chỉ núi Cấm mới có ốc núi mà nhiều nơi cũng xuất hiện loài vật này. Tuy nhiên, ốc trên núi Cấm với đặc thù ăn cây cỏ, thảo dược nên có hương vị đặc trưng so với nơi khác. Bản thân anh cũng có tìm hiểu và biết được nhiều tiểu thương kinh doanh ốc núi của nơi khác mang về, chủ yếu từ tỉnh Tây Ninh, Bình Phước. Người có kinh nghiệm, sẽ biết ốc núi Cấm có màu sắc, vị thơm ngon riêng so với họ hàng các nơi khác.

“Thông thường, khách đến núi Cấm để hành hương vào mùa khô, nên không thể khám phá hết đặc sản của nơi này. Trong khi, mùa mưa mới là thời điểm các loại đặc sản của chốn non cao vào vụ rộ. Bởi thế, nếu muốn cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp, sự hấp dẫn của Thiên Cấm Sơn, bạn hãy đến đây vào mùa mưa, để ngắm nhìn mây bay là đà trên dốc núi, cảm nhận cái lạnh sắt se của núi rừng và thưởng thức dĩa ốc núi ngào ngạt hương thơm” - anh Lê Gia Giang bật mí.

THANH TIẾN